Bế mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đối nội - Ngày đăng : 22:15, 14/07/2020

(BKTO) - Chiều 14.7, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 46 sau hai ngày làm việc.


                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

   

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họpẢnh: Quang Khánh

   

Kiểm soát tình trạng tăng giá bất hợp lý

Theo Tờ trình về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa là sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh - xã hội đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; tạo sự công khai, minh bạch về giá sách giáo khoa. Đồng thời, đây cũng sẽ là công cụ để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa, đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, các nhà xuất bản quy định mức giá bán cụ thể nhưng không cao hơn giá tối đa (giá trần) do Nhà nước quy định; khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá sách giáo khoa hiện nay.

Bộ Tài chính xác định cũng cho biết, đối với các nhà xuất bản, đề xuất trên đây sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng chi phí bán hàng, tăng giá bán làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng; góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các nhà xuất bản. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý; phụ huynh và học sinh yên tâm, tin tưởng trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm traẢnh: Quang Khánh

   

Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết hoặc phải sửa Luật Giá

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, hiện nay sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp học, có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do đó, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có một chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Lưu ý điều này, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 88 và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá. Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị đưa mặt hàng sách giáo khoa vào mặt hàng Nhà nước bình ổn giá và Nhà nước sẽ đặt hàng hoặc độc quyền phát hành sách.
                
   

Thứ trưởng Bộ Giáo Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu

   

Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay chỉ có lớp 1 áp dụng bộ sách giáo khoa mới và đã được in ấn, xuất bản, thậm chí đã có người tiêu dùng mua. Một bộ sách giáo khoa lớp 1, giá thấp nhất là 177 nghìn đồng, cao nhất là 199 nghìn đồng. Qua những lần kê khai giá của 3 nhà xuất bản, Bộ Tài chính cũng có 3 lần thẩm định, thì giá bộ sách giáo khoa đã giảm từ 1,5 – 1,8 lần so với lần đầu kê khai. Còn với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có chính sách hỗ trợ riêng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, do tác động của dịch Covid – 19, nếu cần thiết, có thể cấp sách giáo khoa miễn phí ở những nơi đặc biệt khó khăn, giúp học sinh tới trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa vẫn là thiết yếu cho chặng đường sau này.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề cần được xem xét rất kỹ lưỡng, không thể gấp gáp. Do mới áp dụng sách giáo khoa mới đối với lớp 1, từ lớp 2 trở đi vẫn đang áp dụng bộ sách giáo khoa cũ, nghĩa là chúng ta vẫn có thêm thời gian để xem xét việc điều chỉnh nếu cần thiết. Hơn nữa, sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền quyết định giá tối đa trong nhóm mặt hàng được Luật Giá quy định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại, đánh giá căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh hơn về hồ sơ và báo cáo Quốc hội để ban hành Nghị quyết về vấn đề này hoặc phải sửa đổi Luật Giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, chặng đường đi còn rất dài và tác động lớn, có khả năng phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, chứ không thể quyết định vội vã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại hồ sơ. Chính phủ tiếp tục thực hiện theo chính sách hiện hành.

Theo daibieunhandan.vn