Chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV: Quốc hội sẽ họp trực tuyến kết hợp tập trung

Đối nội - Ngày đăng : 22:25, 14/07/2020

(BKTO) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, sáng nay, 14.7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.


                
   

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

   

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Kỳ họp thứ Chín được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt: vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát 1 chuyên đề và xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo kiến nghị cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, do lần đầu tiên tổ chức các phiên họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nên điều kiện kỹ thuật và tốc độ đường truyền có lúc chưa đồng đều giữa các điểm cầu. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, cần tăng cường và bảo đảm sự đồng bộ về cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như công tác phục vụ khác để đáp ứng cao nhất yêu cầu phục vụ kỳ họp Quốc hội, nhất là họp trực tuyến tại các kỳ họp sau.

Về nội dung, thời gian và hình thức tổ chức Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tiếp tục tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày. Trong đó, đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến trong 9 ngày, từ ngày 19 - 28.10 (trước 1 ngày so với quy định để tăng khoảng cách thời gian giữa hai đợt) họp). Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 9 ngày, từ ngày 3 - 12.11. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đề nghị bố trí tiến hành trong đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2. Đáng chú ý, trong đợt 2, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

   

Cho ý kiến về các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đồng tình với việc tổ chức Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội thành 2 đợt theo phương thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nên được tiến hành sau phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và nên chuyển nội dung này sang đợt họp tập trung theo đúng truyền thống lâu nay.

Theo daibieunhandan.vn