Nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ công

Đối nội - Ngày đăng : 14:20, 15/07/2020

(BKTO) - Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã đạt kết quả nhiều kết quả tích cực.


                
   

Ảnh minh họa

   

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã tích cực, thường xuyên phối hợp với các cơ quan đánh giá tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020, dự báo tình hình và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về thu, chi NSNN và nợ công trong những tháng cuối năm 2020 để báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công và các hạn mức vay nợ 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ đã có nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác quản lý nợ công và nhiệm vụ huy động vốn vay, trả nợ được thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ.

Thứ hai, công tác huy động vốn vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo nhu cầu sử dụng vốn của NSNN và tín hiệu thị trường. Trong Quý I, do nhu cầu chi đầu tư công chưa cao và nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức thấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm khối lượng huy động. Từ giữa tháng 3 năm 2020 khi nhu cầu vốn của NSNN tăng (cho giải ngân đầu tư công, cho các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19) Bộ Tài chính đã tăng khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu chi của NSNN. Kể từ tháng 5/2020, diễn biến dịch bệnh trong nước về cơ bản được kiểm soát, thị trường tài chính, chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là cơ sở để Bộ Tài chính đã tranh thủ phát hành. Theo đó, khối lượng phát hành thành công trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng dần qua từng tháng đi kèm với lãi suất giảm tại tất cả loại kỳ hạn và tỷ trọng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài trên 10 năm chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 94,8% tổng khối lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm), góp phần giảm chi phí huy động vốn cho NSNN và giảm rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn của danh mục nợ.

Về ký kết các hiệp định vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án trong việc hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật để thúc đẩy tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định vay cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020. Kết quả trong 6 tháng đầu năm đã ký kết 5 Hiệp định vay với tổng trị giá ký vay là 533,2 triệu USD (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính cũng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến quản lý vốn vay nước ngoài vay về cho vay lại của Chính phủ theo hướng phối hợp với các cơ quan dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính cũng tiếp tục triển khai thực hiện các công cụ quản lý nợ chủ động theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2017, cụ thể: đã trình Chính phủ phê duyệt hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2020 (Nghị quyết số 40/NQ-CP); hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2020-2022 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020; đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và chủ động khẩn trương triển khai công tác xây dựng đề án kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và đề án chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2017.

Trong công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng. Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tính từ đầu năm đến 10/6/2020, có trên 90 quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) hạ bậc/xem xét hạ bậc hoặc điều chỉnh triển vọng. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia. Kết quả, ngày 8/4/2020 tổ chức Fitch đã thông báo quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, và điều chỉnh triển vọng từ Tích cực sang Ổn định; ngày 21/5/2020 tổ chức S&P đã ra Thông cáo báo chí khẳng định XHTN của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức BB, triển vọng Ổn định; tổ chức Moody’s trong tháng 5/2020 cũng cho biết sẽ giữ nguyên định mức tín nhiệm của Việt Nam sau đợt làm việc với các cơ quan của Việt Nam trong tháng 4/2020. Việc Việt Nam duy trì mức XHTN được đánh giá là một chỉ dấu lạc quan trong bối cảnh bất ổn hiện nay, thể hiện quan điểm tích cực của các tổ chức XHTN về hồ sơ tín dụng của Việt Nam không chỉ trong năm nay mà còn có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát huy trong dài hạn.

Để góp phần thực hiện mục tiêu, chủ trương, giải pháp về quản lý nợ công theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý nợ công trong 6 tháng cuối năm 2020 như: Bám sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để chủ động phân tích, đánh giá và cập nhật các chỉ tiêu ngân sách và bội chi, kế hoạch vay trả nợ và các chỉ tiêu an toàn nợ để kịp thời báo cáo Quốc hội, Chính phủ đưa ra các biện pháp điều hành chính sách phù hợp, đảm bảo an toàn bền vững nợ; Chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương tích cực triển khai xây dựng các đề án kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội, đề án Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

Đồng thời, chủ động theo dõi chặt chẽ thị trường trái phiếu chính phủ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương để tổ chức huy động vốn phù hợp, tập trung vào phương thức đấu thầu với trái phiếu chính phủ loại kỳ hạn từ 5 năm trở lên…
ĐÔNG SƠN