Tái cơ cấu DNNN trong nông nghiệp: Còn nhiều thách thức
Đầu tư - Ngày đăng : 07:10, 06/08/2015
(BKTO) - Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện táicơ cấu DNNN theo đúng các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ xác định tái cơ cấuDNNN là 1 trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánhgiá của các chuyên gia kinh tế, tiến độ thực hiện đến thời điểm này vẫn cònchậm so với yêu cầu đặt ra.
Tổng công ty Thủy sản Việt Nam là 1 trong 9 DNNN thuộc Bộ NN&PTNT đã hoàn thành CPH trong năm 2014 Ảnh: T.S
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ NN&PTNT, ông Đỗ Văn Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 30/12/2014, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành cổ phần hóa (CPH) được 9 Tổng công ty, Công ty, gồm: Tổng công ty Cơ Điện - Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi; Tổng công ty Mía đường I; Tổng công ty Mía đường II; Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam; Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam; Công ty TNHH Thuốc thú y Trung ương 2; Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương; Tổng công ty Xây dựng NN&PTNN; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.
Theo quyết định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT phải tổ chức thực hiện CPH 12 DN trong năm 2015. 6 tháng đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đẩy mạnh CPH đối với các DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, gồm: Tổng công ty Rau quả, nông sản và Tổng công ty Chè Việt Nam. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành CPH sớm hơn so với kế hoạch 2 Tổng công ty, gồm: Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Đối với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, dù Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng theo đánh giá, kết quả còn rất chậm. Thực hiện Quyết định số 916/QĐ-BNN-QLDN ngày 02/6/2014, Bộ NN&PTNT giao cho 13 Tập đoàn, Tổng công ty thoái 3.274 tỷ đồng. Thực tế các đơn vị đăng ký lên tới 5.026 tỷ đồng, nhưng tính đến 30/6/2015, các DN mới chỉ thực hiện thoái vốn được 1.718 tỷ đồng, đạt 52% so với Quyết định 916 và 34% so với kế hoạch thoái vốn các đơn vị đã đăng ký.
Công tác bàn giao DN sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và bán phần vốn nhà nước tại các công ty đã CPH đang được quan tâm thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ. Theo đó, Bộ xác định nhóm DN bàn giao sang SCIC trong năm 2015 gồm 2 DN là Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT và Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Nhóm DN triển khai bán tiếp phần vốn nhà nước trong năm 2015 gồm 5 DN: Tổng công ty Mía đường I; Tổng công ty Mía đường II; Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển ngô Việt Nam và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam.
Thoái vốn rất chậm vì không có nhà đầu tư
Dù đạt được những kết quả bước đầu như trên, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, công tác thoái vốn ngoài ngành, bán tiếp vốn nhà nước tại các công ty cổ phần vẫn còn chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt. Việc thoái vốn khỏi những ngành nghề kinh doanh không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, giá trị cổ phiếu đối với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, thậm chí khi chào bán cũng không có nhà đầu tư mua nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn.
Theo kế hoạch đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thoại - Thành viên HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, Tập đoàn hiện có trên 3.700 tỷ đồng cần thoái vốn, trong đó số vốn công ty mẹ cần thoái là 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, đã có 1.195 tỷ đồng được thoái vốn. Theo lộ trình từ nay đến hết năm 2015, số vốn tại Tập đoàn tiếp tục phải thoái là gần 2.800 tỷ đồng. Về CPH, ông Thoại băn khoăn, trong quá trình xác định giá trị DN, một số DN thành viên đầu tư 100% vốn nhà nước sang Campuchia. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn xác định giá trị dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đề nghị liên Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT đồng ý cho các DN này được đánh giá vốn theo vốn chủ đầu tư.
Khó khăn tương tự cũng đang diễn ra tại Vinacafe. Ông Lê Thế Chỉ - Phó Tổng giám đốc Vinacafe cho biết, theo lộ trình, Chính phủ và Bộ NN&PTNT quy định, quý III và IV/2015 Vinacafe phải thoái vốn tại 6 công ty cổ phần. Tuy nhiên, dù vốn nhà nước tại các công ty này nhỏ, khoảng 40 tỷ đồng, nhưng rất khó thoái vốn vì không có nhà đầu tư.
Đáp lại băn khoăn của các DN trong vấn đề thoái vốn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực, thường xuyên xem xét kỹ lưỡng để nhanh chóng tháo gỡ mọi khó khăn của DN. Hiện tại, việc thoái vốn tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam đang thực hiện rất chậm... Vì vậy, yêu cầu các Tập đoàn khẩn trương thoái vốn nhà nước đảm bảo tiến độ nhưng cần phải chính xác. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP cho phép về nguyên tắc thoái vốn theo lô và bán cho người lao động. Đây là điểm rất mới, hứa hẹn giúp cho DN tháo gỡ khó khăn trong việc thoái vốn, bảo đảm tiến độ tái cơ cấu DNNN.
THANH TÙNG