Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ VII - Làm rõ những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách tự chủ đại học
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:45, 20/07/2020
(BKTO) - Việc xây dựng và áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển cũng như điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập về cơ chế cũng như khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện tự chủ, từ đó có nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tự chủ cũng như khắc phục những bất cập vốn có, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
KTNN đánh giá cơ sở pháp lý về tự chủ trong các trường ĐH còn chưa đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo -Ảnh minh họa
Cơ sở pháp lý về tự chủchưa đồng bộ, quy địnhcòn chồng chéo
Có thể thấy, những thành công bước đầu trong việc thực hiện chính sách tự chủ tại các trường ĐH là tiền đề để Đảng và Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế để chính sách tự chủ thực sự đi vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc KTNN chỉ ra những hạn chế qua thực hiện chính sách này tại các trường đại học của KTNN sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng nhận diện được những lỗ hổng, bất cập, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp để nâng cao hiệu quả của chính sách. Theo đó, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện khó khăn nổi bật, có tính tác động mạnh mẽ, xuyên suốt đến việc thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay, đó là cơ sở pháp lý về tự chủ chưa đồng bộ, việc tiếp cận cơ chế tự chủ còn nặng về các yếu tố tài chính.
Hiện nay, ngoài việc thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ như Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 71/2006/TT-BTC, Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017…, các trường ĐH vẫn đang tuân thủ và là đối tượng điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác như: Luật Giáo dục, Luật GDĐH, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Viên chức… Điều này dẫn đến một số xung đột và chồng chéo giữa các quy định cần sớm được điều chỉnh. Đơn cử, việc thực hiện cơ chế tự chủ cho phép các trường tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP được quyền quyết định việc đầu tư các dự án bằng các nguồn thu hợp pháp của đơn vị, tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công thì công tác đầu tư của các đơn vị trên thuộc đối tượng phê duyệt chủ trương và kế hoạch đầu tư trung hạn của cấp có thẩm quyền.
Trên thực tế, hiện nay, việc phân loại, giao mức độ tự chủ, cũng như công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị chủ quản đối với các trường ĐH chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ tự chủ về tài chính, trong đó tập trung vào mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị, chưa chú ý đến các yếu tố quan trọng khác như năng lực của từng đơn vị về tổ chức bộ máy, nhân sự, thương hiệu và kinh nghiệm đào tạo... Điều này dẫn đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chính sách tự chủ có sự khác biệt đáng kể giữa các đơn vị trong cả nước.
Một số vướng mắc trongquá trình thực hiện
Bên cạnh vướng mắc về cơ sở, hành lang pháp lý, quá trình các cơ quan chủ quản, các trường ĐH triển khai thực hiện cơ chế tự chủ cũng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó, nguyên nhân được xác định có cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, đòi hỏi phải sớm được khắc phục.
Nổi bật là một số vướng mắc về thực hiện tự chủ tài chính. Tại nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tình trạng lập, phân bổ và giao dự toán cho các cơ sở đào tạo tự chủ một phần chi hoạt động thường xuyên chưa thực hiện giảm kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên hoặc giảm nhưng chưa tương xứng với lộ trình tăng học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, phần nào ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của việc đầu tư NSNN cho lĩnh vực GDĐH. Kết quả kiểm toán cho thấy, tốc độ tăng học phí trung bình 10%/năm - cao hơn đáng kể mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng như mức lương cơ sở. Đồng thời, chưa có sự thống nhất về mức trần học phí giữa các trường tự chủ thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, cùng với đó, mức thu học phí của các đơn vị thí điểm tự chủ thường có sự chênh lệch đáng kể so với các trường thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trong cùng lĩnh vực đào tạo. Mặt khác, do áp lực tự cân đối thu chi trong khi việc huy động các nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và dịch vụ tại các đơn vị còn rất hạn chế đã tạo ra áp lực đối với nhiều cơ sở GDĐH trong việc gia tăng các khoản thu chưa có trong quy định để bù đắp các khoản chi. Có tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí, thu chưa có trong quy định còn phổ biến, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người học và xã hội.
Đáng chú ý, về cơ cấu chi từ nguồn học phí, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ cấu các khoản chi. Tổng hợp số liệu chi sự nghiệp đào tạo cho thấy, các khoản chi cho con người chiếm phần lớn tổng chi (từ 55 - 65%), trong khi đó, tỷ lệ các khoản chi nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, là những nội dung rất quan trọng tạo nên tiềm lực phát triển và vị thế của các trường ĐH, lại chưa được quan tâm đúng mức.
Vấn đề bất cập tiếp theo, đó là những vướng mắc trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự. Hiện nay, việc quản lý tại các cơ sở GDĐH được thực hiện theo cơ chế cơ quan chủ quản. Công tác tuyển dụng viên chức tuân thủ quy định của Luật Viên chức cũng như Đề án vị trí việc làm do cơ quan chủ quản phê duyệt phần nào ảnh hưởng đến tính chủ động của đơn vị trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự. Nhiều trường chậm hoặc chưa thành lập Hội đồng trường, chưa phát huy được vai trò trong việc yêu cầu giải quyết và giám sát thực hiện các quyết nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị tự chủ ĐH; không có kinh phí độc lập và đội ngũ thừa hành riêng, từ đó, ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, nhân sự của Hội đồng trường. Thực tế trong tổ chức bộ máy, tại nhiều đơn vị còn tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau trong khi chưa có quy định cụ thể về phương thức quản lý, trách nhiệm của trường và chế tài đối với các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả.
Mặt khác, chế độ chi trả tiền lương, thu nhập theo ngạch, bậc hiện nay cũng đang là một rào cản lớn đối với các trường ĐH trong việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. So với các tập đoàn lớn, đặc biệt khối DN FDI, các trường ĐH công lập hiện nay rất khó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi chưa có cơ chế đãi ngộ tương xứng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của chính sách tự chủ ĐH.
Cuối cùng, một vướng mắc quan trọng được phát hiện và cần sớm tháo gỡ, đó là vướng mắc trong công tác tuyển sinh và đào tạo. Qua kiểm toán cho thấy, một số trường ĐH thực hiện việc tuyển sinh chưa đảm bảo quy định hiện hành như: xác định chỉ tiêu, thực hiện tuyển sinh vượt năng lực đào tạo về giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất theo quy định. Nhiều khối ngành thiết yếu cho xã hội nhưng tỷ lệ tuyển sinh hiện nay rất thấp. Các trường đang có xu hướng tăng cường đào tạo đa ngành, tuy nhiên, do chưa chú trọng khảo sát tính cấp thiết của việc mở mã ngành nên tại nhiều trường, số lượng tuyển sinh của một số ngành mở mới đạt kết quả thấp, kém hiệu quả. Tại một số đơn vị, nhiều chương trình chất lượng cao chưa có nhiều khác biệt so với chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với mức thu… Tại một số trường ĐH được kiểm toán còn tình trạng thực hiện liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước khi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy chưa đảm bảo...
Từ những hạn chế nổi bật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có những kiến nghị phù hợp không chỉ trong xử lý tài chính mà đi sâu vào các vấn đề quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách tự chủ tại các đơn vị. Để cơ chế tự chủ đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, cần sự chung tay góp sức của các cấp có thẩm quyền, hơn hết là sự chủ động, linh hoạt và đề cao trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ được giao của chính các đơn vị tự chủ. (Kỳ sau đăng tiếp)
Qua kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học công lập giai đoạn 2016-2018, KTNN xác định mức thu vượt học phí tại các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan T.Ư 136,06 tỷ đồng; thu vượt học phí tại các trường trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là 1,55 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là thu vượt học phí chính quy chiếm 55,8% tổng số thu vượt. Thu các khoản chưa có trong quy định tập trung chủ yếu tại các trường trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan T.Ư 227,57 tỷ đồng, bao gồm trên 22 nội dung thu, chủ yếu là các khoản thu về thi sát hạch tin học, ngoại ngữ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu chưa có trong quy định. |
ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III