Chứng khoán ngày 20/7: VN-Index chìm trong sắc đỏ

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:25, 20/07/2020

(BKTO)- Ngày mừng sinh nhật tròn 20 năm tuổi của thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc không mấy vui vẻ khi các sàn đều chìm trong sắc đỏ. Trái ngược lại, thị trường chứng khoán châu Á lại khởi sắc nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

VN-Index giảm hơn 10 điểm

Hôm nay (20/7) tròn 20 năm khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư lại không thể vui mừng trong ngày vui chung của thị trường.

Tâm ly thận trọng khiến thị trường giảm điểm từ sớm và duy trì sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch sáng với thanh khoản thấp. Bước vào phiên chiều, dù nỗ lực hồi phục đầu phiên, nhưng áp lực bán gia tăng, trong khi lực cầu quá yếu khiến VN-Index quay đầu đi xuống và lùi thẳng về mức thấp nhất ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, với 282 mã giảm, trong khi chỉ có 112 mã tăng, VN-Index giảm 10,62 điểm (-1,22%), xuống 861,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 285 triệu đơn vị, giá trị 4.768,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29 triệu đơn vị, giá trị 937 tỷ đồng.

Cũng giống như phiên sáng, toàn bộ các cổ phiếu lớn giảm giá, trong đó có nhiều mã nới rộng đà giảm so với phiên sáng. Các mã giảm trên dưới 2% có BID, HPG, MSN, VRE, PLX, BVH. Các mã giảm trên dưới 1,5% có VIC, VHM, GAS, CTG, VJC, VPB, MBB, FPT, POW, STB, PNJ. Còn lại là các mã giảm dưới 1%.

Trong số đó, HPG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,6 triệu đơn vị, tiếp đến là STB hơn 8 triệu đơn vị, MBB hơn 3 triệu đơn vị, CTG gần 3 triệu đơn vị.

Ngoài một vài điểm sáng hiếm hoi, đa số các mã trên thị trường đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí nhiều mã xuống mức sàn như LDG, SJF. Trong đó, LDG giảm sàn xuống 6.130 đồng, khớp 8 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị sau thông tin DXG và công ty còn thoái toàn bộ 8,8 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này nỗ lực hồi phục, nhưng không thể bước quá xa so với mức đáy xác lập cuối phiên sáng.

Chốt phiên, với 62 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 1,09 điểm (-0,93%), xuống 115,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,9 triệu đơn vị, giá trị 523 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng, tăng nhẹ hơn 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 158,6 tỷ đồng.

HUT vẫn là mã có thanh khoản nhất sàn với 5,5 triệu đơn vị và vẫn đứng ở mức tham chiếu 2.500 đồng. NVB thoát sắc đỏ khi đóng cửa ở mức tham chiếu 9.000 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị, đứng sau HUT và trên SHS (hơn 3 triệu đơn vị), nhưng SHS giảm 2,9% xuống 13.400 đồng.

Trong các mã lớn, chỉ có PVI tăng nhẹ 0,67% lên 30.000 đồng, NTP tăng 2,28% lên 31.400 đồng, còn lại cũng đều giảm giá. Trong đó, ACB giảm 1,21% xuống 24.500 đồng, SHB giảm 0,77% xuống 12.900 đồng, VCG giảm 1,14% xuống 26.000 đồng, VCS giảm 1,1% xuống 62.700 đồng.

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi nỗ lực hồi phục, nhưng bất thành, chỉ tránh được mức đáy của ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,48%), xuống 57,29 điểm với 69 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,9 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 69 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, tương đồng với VN30-Index, các hợp đồng tương lai chỉ số này đều giảm điểm tương đương với mức giảm của VN30. Cụ thể, VN30-Index giảm 1,33%, còn VN30F2008 giảm 1,41% xuống 796,5 điểm với 137.102 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.936 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm khi chỉ có 5 mã tăng, còn lại đều giảm. Trong đó, CMBB2002 có thanh khoản nhất với 488.180 đơn vị, đóng cửa giảm 27,27% xuống 400 đồng.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm

Các thị trường chứng khoán ở châu Á phần lớn tăng điểm vào đầu phiên giao dịch sáng 20/7 giữa bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục tìm cách mua các cổ phiếu có triển vọng “sáng” trước khi các doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận quý 2/2020 bắt đầu từ cuối tuần này.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,27%, tương đương 60,52 điểm, lên 22.756,94 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,93%, tương đương 29,78 điểm, lên 3.243,91 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,08 điểm lên 2.201,11 điểm.

Riêng chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,28%, tương đương 69,57 điểm, xuống còn 25.019,60 điểm.

Theo Okasan Online Securities, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tiếp tục đà đi lên ổn định mà không cho thấy những dấu hiệu tăng quá nóng và giới đầu tư đang mua vào những cổ phiếu hiện được định giá thấp hơn giá trị thực tế song có triển vọng dài hạn rất hứa hẹn.

Những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vắcxin phòng COVID-19 đã tạm thời thúc đẩy giá của các cổ phiếu Nhật Bản song tâm lý thận trọng đã khiến giới đầu tư hạn chế mua tiếp cổ phiếu.
NAM SƠN (Tổng hợp)