Xây dựng dự toán NSNN năm 2021: Triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí

Đối nội - Ngày đăng : 16:05, 22/07/2020

(BKTO) - Là năm đầu thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện dự toán chi có vai trò rất quan trọng.


                
   

Hạn chế mua sắm xe ô tô công là một trong những biện pháp để tiết kiệm chi

   

Bộ Tài chính trong hướng dẫn xây dựng dự toán đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt nếu giảm thu phải rà soát, sắp xếp lại các khoản chi.

Dự toán chi phải gắn với sắp xếp bộ máy

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho từng lĩnh vực chi, phải triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của các cơ quan nhà nước theo quy định.

Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Tài chính, dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành. Ngoài ra, phải hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành tiếp tục cơ cấu lại NSNN, đồng thời tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo quy định.

Về dự toán chi hoạt động năm 2021 của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể, phải xây dựng gắn với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn...

Đối với dự toán chi hoạt động năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ NSNN theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt. Trường hợp chưa có quyết định của cấp thẩm quyền hoặc đề án được duyệt, thì tính giảm bình quân 2,5% so với biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2020 theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN tối thiểu 2,5% gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, tăng giá học phí theo quy định của pháp luật.

Tăng tự chủ để giảm chi thường xuyên

Theo ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), chi NSNN phải theo hướng sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên. Đồng thời đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình cơ cấu lại NSNN là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư. Đây cũng là áp lực lớn cho ngành Tài chính bởi cải cách tiền lương sẽ làm tăng chi thường xuyên; tuy nhiên, nguồn lực dành ra để cải cách tiền lương từ việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công thời gian vừa qua còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu.

Việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp đến nay cũng chưa thực hiện được nhiều. Hiện nay mới chỉ có khoảng 2% đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ được toàn bộ các khoản chi thường xuyên, không yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách, còn lại cơ bản vẫn phải hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ NSNN. Hiện quỹ lương bao gồm chi cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lực lượng không chuyên trách ở cấp xã, trợ cấp ưu đãi người có công và một bộ phận người hưởng lương hưu từ ngân sách… chiếm khoảng 30% tổng chi ngân sách, còn so với chi thường xuyên thì chiếm khoảng 50%.

Vấn đề mấu chốt mang tính quyết định để thực hiện được các mục tiêu cải cách tiền lương là phải đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo đúng Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương và đổi mới khu vực sự nghiệp công cũng phải đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Có như vậy mới đảm bảo vừa tạo thêm nguồn lực (tăng thu từ khu vực sự nghiệp, tiết kiệm chi từ các cơ quan hành chính) vừa làm giảm áp lực chi từ NSNN cho cải cách tiền lương (giảm số lượng các đơn vị và biên chế khu vực sự nghiệp hưởng lương từ NSNN).

Phát biểu tại Quốc hội mới đây Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị chi NSNN phải được kiểm soát chặt chẽ hơn; Tập trung cơ cấu lại chi NSNN, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, phù hợp với các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2014/QH14 của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, căn cứ quy định của Luật NSNN, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách (cả trung ương và địa phương) phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi. Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách...
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn