Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có nhiều sáng kiến và hành động cụ thể để thực hiện Tuyên bố Hà Nội

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:05, 28/07/2020

(BKTO) - Chiều 27/7, Cuộc họp trực tuyến Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chủ trì của KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về những kết quả nổi bật đạt được tại Cuộc họp và các sáng kiến, hành động cụ thể của KTNN Việt Nam để thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Báo Kiểm toán xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.



Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Cuộc họp

♦ Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể cho biết những kết quả đạt được tại Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 vừa diễn ra?

Có thể khẳng định, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dưới sự điều hành của KTNN Việt Nam, Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ 24 chương trình nghị sự mà Ban điều hành đề ra.

Đặc biệt, tại Cuộc họp này, các SAI thành viên đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề mới, trong đó có việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây là một trong những quyết định có tính tiên phong của ASOSAI, là 1 trong 7 Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao) để triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược của INTOSAI về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác như: kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội năm 2018, kiểm toán việc quản lý dòng nước sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia, kiểm toán mua sắm tài sản công, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin… đã được Ban điều hành đưa ra thảo luận và thống nhất cao.

Ban điều hành cũng đã thống nhất thời gian, cách thức, nội dung tiến hành để chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI lần thứ 15 và Cuộc họp Ban điều hành lần thứ 56 và 57 tại Thái Lan.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Cuộc họp, các thành viên Ban điều hành đã thảo luận và chia sẻ những sáng kiến, cách thức và phương pháp phù hợp của ASOSAI nhằm giúp các SAI thành viên kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Ban điều hành đã đề xuất thành lập Nhóm công tác nghiên cứu kiểm toán về những vấn đề mới nổi liên quan đến các đại dịch, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Quang cảnh Cuộc họp tại điểm cầu KTNN Việt Nam

♦ Tuyên bố Hà Nội được xem là kim chỉ nam cho hoạt động của ASOSAI trong giai đoạn tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của KTNN Việt Nam. Đến nay, sau 2 năm đảm trách vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đã triển khai những sáng kiến và hành động gì để thực hiện Tuyên bố Hà Nội, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?

Sau gần 2 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt đối với 47 SAI thành viên ASOSAI, đặc biệt là với 12 SAI thành viên trong Ban điều hành.

Chủ đề kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững tại Tuyên bố Hà Nội năm 2018 được KTNN Việt Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện. Cùng với các SAI châu Á, KTNN Việt Nam đã tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường như: kiểm toán rác thải, kiểm toán túi nilon, kiểm toán môi trường tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, KTNN đã có sáng kiến đề nghị Ban điều hành ASOSAI biểu quyết thông qua chương trình kiểm toán hợp tác về môi trường của ASOSAI tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021 với đề chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là sáng kiến nhằm kiến nghị Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông quản lý nguồn nước, đảm bảo cho hàng trăm triệu cư dân có cuộc sống bền vững và sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

♦ Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước vui lòng nói rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của cuộc kiểm toán này?

Hiện nay, thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, sự thay đổi của thời tiết, lượng mưa ít đi, nắng nóng tăng lên… cộng thêm nhiều vấn đề khác mà các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông chưa có kế hoạch để quản lý.

Sông Mê Kông là 1 trong 12 con sông lớn nhất thế giới với chiều dài gần 5.000 km chảy qua 6 quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, cho nên, những tác động của việc quản lý nguồn nước lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến dân sinh cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chẳng hạn, việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Kông cũng là nguyên nhân cơ bản làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam.

Do đó, sau khi xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, KTNN Việt Nam đã đề xuất với các SAI thành viên ASOSAI, đặc biệt là các thành viên Ban điều hành ủng hộ việc đưa ra quyết nghị kiểm toán quản lý nguồn nước sông Mê Kông. Khi đưa ra vấn đề này, KTNN Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các SAI Myanmar và Thái Lan. Theo quy chế của ASOSAI, một vấn đề có 2 SAI ủng hộ thì sẽ được đưa ra biểu quyết. Tại Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 này, sau quá trình thảo luận, 12 thành viên trong Ban điều hành và 2 SAI ngoài ASOSAI đều đã ủng hộ, thống nhất thông qua việc thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác này. Chúng tôi hy vọng, dưới sự chủ trì của KTNN Việt Nam, cuộc kiểm toán này sẽ mang lại thành công lớn, góp phần vào việc bảo vệ nguồn nước sông Mê Kông và sự phát triển bền vững của các quốc gia thuộc lưu vực sông.

♦ Được biết, giai đoạn 2012-2013, KTNN Việt Nam cũng đã tham gia thực hiện cuộc kiểm toán song song các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Kông với 4 SAI thuộc Đông Nam Á. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ về những phát hiện và khuyến nghị nổi bật từ cuộc kiểm toán này? Dự kiến, kết quả của cuộc kiểm toán hợp tác giai đoạn 2020-2021 sẽ có tác động như thế nào và mang lại lợi ích gì cho các quốc gia liên quan?

Giai đoạn 2012-2013, trong khuôn khổ hợp tác ASOSAI, lần đầu tiên, KTNN Việt Nam đã cùng với 4 SAI: Thái Lan (SAI chủ trì), Campuchia, Lào, Myanmar tổ chức thành công cuộc kiểm toán song song các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Kông. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra bất cập, hạn chế trong việc quản lý nguồn nước sông Mê Kông như: các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông không có hành động chung để cùng tham gia quản lý dòng nước, đặc biệt là việc xây dựng các nhà máy thủy điện tại các nhánh của sông Mê Kông làm ảnh hưởng đến dòng chảy và sự phát triển bền vững của các quốc gia… Cuộc kiểm toán đó đã được thông qua. Tuy nhiên, quy mô và cách làm của cuộc kiểm toán chưa tạo được sự lan tỏa cao. Vì vậy, những kiến nghị đối với Chính phủ các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông chưa được thực hiện hiệu quả.

Do vậy, chúng tôi kỳ vọng cuộc kiểm toán hợp tác lần này với vai trò chủ trì của KTNN Việt Nam sẽ đem lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững, góp phần đấu tranh cho vấn đề dòng nước sông Mê Kông, giúp các nước ở lực sông nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống và an sinh xã hội của cư dân thuộc địa phận nguồn nước chảy qua.

Để chuẩn bị cho cuộc kiểm toán, KTNN Việt Nam sẽ tiến hành hội thảo vào cuối năm 2020 và sẽ cùng với 4 SAI triển khai kiểm toán vào năm 2021. Cuối năm 2021, chúng tôi sẽ hoàn thành cuộc kiểm toán và sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán cũng như đưa ra những khuyến nghị đối với việc quản lý dòng nước sông Mê Kông, giúp Chính phủ các quốc gia thuộc lưu vực sông quản lý dòng nước tốt nhất, bền vững nhất, đảm bảo sự phát triển bền vững của các quốc gia.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!./.

THÀNH ĐỨC - THANH TÙNG (ghi)