Ngành công nghệ thông tin - viễn thông ghi dấu ấn trên thị trường

Đầu tư - Ngày đăng : 16:20, 31/07/2020

(BKTO) - Ngành công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông được đánh giá là một ngành kinh tế quan trọng, có giá trị xuất khẩu cao với doanh thu ước đạt 112 tỷ USD (năm 2019), tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, đóng góp hơn 14% GDP và nộp NSNN trên 53.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các DN trong ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất và tạo được nhiều điểm sáng.



Top 5 chiến lược ưu tiên hàng đầu của DN CNTT - viễn thông trong thời kỳ “bình thường mới”.Nguồn: Khảo sát của Vietnam Report, tháng 6/2020

Nhiều điểm sáng trong bối cảnhkhó khăn

Điểm sáng được ghi nhận là các DN công nghệ đã chủ động phối hợp tích cực với Nhà nước, hỗ trợ người dân và DN tham gia công tác phòng chống dịch thông qua các hoạt động truy vết, giám sát cách ly; chương trình tăng dung lượng data, băng thông nhưng không tăng giá; miễn phí cước data cho học sinh và giáo viên; đưa thông tin hướng dẫn phòng chống dịch vì lợi ích cộng đồng.

Trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: bưu chính; viễn thông; ứng dụng CNTT; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp viễn thông - CNTT; báo chí - truyền thông đều hoàn thành những mục tiêu đề ra ở cả ba phương diện: xây dựng thể chế, điều phối liên ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD, chiếm 95% tổng doanh thu.

Với những đóng góp nổi trội, Tập đoàn Viettel và Công ty Phần mềm FPT vừa được vinh danh là những DN uy tín hàng đầu của ngành CNTT - viễn thông năm 2020. Cụ thể, Viettel đã đứng đầu danh sách Top 10 DN CNTT - viễn thông uy tín và FPT đã đứng đầu danh sách Top 10 DN công nghệ uy tín.

Để đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19, các DN công nghệ Việt Nam đã có những sự thay đổi trong chiến lược quản trị và kinh doanh. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 đối với các DN ngành công nghệ cho thấy, cơ cấu chi phí, cơ cấu nguồn nhân lực và công tác quản trị rủi ro đang được xem là 3 ưu tiên chiến lược hàng đầu của các DN công nghệ trong thời gian qua.

Trong năm 2020, mục tiêu tăng trưởng bình quân của ngành CNTT - viễn thông được kỳ vọng đạt 10 - 15%/năm, tiếp tục là một trong những ngành nổi bật của Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, có đến 73,7% DN trong ngành đánh giá thị trường sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020, trong khi có 10,5% DN lạc quan ngành CNTT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Cơ hội đi kèm nhiều thách thức

Mặc dù trải qua nửa đầu năm 2020 với rất nhiều sự biến động nhưng cũng là dịp để các DN tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia và DN, có 5 cơ hội và 4 thách thức mà các DN công nghệ sẽ đối mặt trong giai đoạn “bình thường mới”.

Cụ thể, cơ hội thứ nhất đến từ việc nền kinh tế Việt Nam đang thích ứng với giai đoạn bình thường mới. Môi trường kinh doanh của Việt Nam tạo động lực cho các DN quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu ra thị trường toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Có tới 63,2% DN công nghệ tin tưởng việc kinh tế Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới là cơ hội lớn để DN phát triển trong tương lai. Thứ hai là làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á. 58,9% DN nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội tích cực để DN nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.

Thứ ba là cú hích Covid-19 đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên cả nước. Cơ hội thứ tư là Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thứ tư, việc mở cửa thị trường viễn thông cho DN EU trong thời gian tới sẽ giúp các DN CNTT - viễn thông Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Thứ năm, thử nghiệm mạng 5G đã thành công, giúp thị trường viễn thông “nóng” trở lại.

Tuy nhiên, những thách thức mà các DN phải đối mặt là: điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế, có tới 72,2% DN đánh giá đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua; thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, có tới 66,7% chuyên gia và DN nhận định thiếu hụt lao động chất lượng cao là rào cản lớn của các DN công nghệ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn bất ổn do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa ổn định. Mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn “bình thường mới”, tuy nhiên, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, hiện vẫn thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở nên phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt khi có sự tham gia của các yếu tố nước ngoài. Việc xử phạt các hành vi đánh cắp dữ liệu chưa được đánh giá đúng do chưa có những chế tài đủ sức răn đe gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân và DN. Tuy làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn trên thế giới ngày một rõ nét nhưng các vấn đề chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản cho các DN nước ngoài muốn tham gia vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
PHÚC KHANG