Ngăn nạn đuối nước ở trẻ em: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 08:50, 30/07/2020

(BKTO) - Mỗi năm ở nước ta, tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là trẻ em. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã có những giải pháp nhằm ngăn chặn, tuy nhiên, thực tế con số đuối nước ở trẻ em giảm không nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tối đa tình trạng này cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần sự giám sát của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.



Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em. Ảnh: TTXVN
Hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm

Với các nỗ lực của Việt Nam, hiện nay, tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với nhiều năm về trước. Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất Đông Nam Á, gấp 5 lần các nước ASEAN và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn; 55% trẻ em tử vong do đuối nước sống trong các hộ gia đình nghèo, chủ yếu là nông thôn.

Là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc (khoảng 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km, hơn 2.300 bến ngách ngang sông, dọc tuyến) và là 1/5 quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến nước. Tuy nhiên, hiện nay, số trẻ được học bơi và các kỹ năng dưới môi trường nước một cách bài bản lại rất thấp, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Bởi, việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Thống kê cho thấy, trong tổng số 15.000 trường tiểu học trên cả nước, hiện mới có khoảng 700 trường có bể bơi.

Bên cạnh đó, nhận thức xã hội và người dân, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống đuối nước còn hạn chế; sự giám sát, chăm sóc trẻ em tại các vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản… Đó là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước tại Việt Nam vẫn ở mức cao.

Nên chăng đưa bộ môn bơi thành môn học bắt buộc

Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì thế, để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, trong đó cần sự chung tay trách nhiệm của toàn xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước và tầm quan trọng của việc học bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước…

Để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em, đã đến lúc cần phải nghiên cứu đưa bộ môn bơi thành môn học bắt buộc. Muốn làm được điều đó, trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nhanh chóng xây dựng, hướng dẫn, triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm đầu tư, có chính sách, cơ chế khuyến khích các tổ chức, DN và cá nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc dạy bơi cho trẻ em, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Tháng 5 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020. Cùng với đó, các sở GD&ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc quan tâm công tác dạy bơi trong nhà trường. Theo đó, các đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ bơi phải đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa; các trường được đầu tư hồ bơi theo hình thức xã hội hóa thì khuyến khích học sinh, vận động phụ huynh cho con em học bơi. Đối với các cơ sở chưa được đầu tư hồ bơi, nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho các em học bơi ở các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường; thực hiện giảm học phí đối với con em các gia đình chính sách, hộ nghèo… để tạo điều kiện phổ cập bơi cho trẻ em.

LÊ HÒA