Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước - Những dấu ấn đậm nét trong hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 31/07/2020
(BKTO) - Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ KTNN luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2015-2020 để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Kết quả đó được thể hiện qua những sự kiện, con số và những dấu ấn đậm nét trong mọi mặt hoạt động của Đảng bộ trong suốt nhiệm kỳ.
1. Hoàn thành xuất sắc, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ KTNN và cấp ủy các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành hoàn thành xuất sắc, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục khẳng định uy tín, vai trò, vị trí của KTNN trong hệ thống chính trị, nổi bật là: Hoạt động kiểm toán ngày càng có chất lượng và đi vào chiều sâu, kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ qua tăng lên rõ rệt (kiến nghị xử lý tài chính tăng hơn 3 lần so với nhiệm kỳ trước), nhiều kiến nghị có tác động lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội, đột phá vào nhiều lĩnh vực mới (như các dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dự án hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), các dự án trọng điểm, đất đai, khoáng sản…); hệ thống tổ chức bộ máy từng bước hoàn thiện, đội ngũ từng bước được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; đạo đức, tác phong của cán bộ kiểm toán viên (KTV) được chấn chỉnh; kỷ cương được giữ vững, tạo được niềm tin trước Đảng, Quốc hội, nhân dân; công tác hợp tác quốc tế, thông tin, tuyên truyền ngày càng có hiệu quả; hệ thống cơ sở vật chất và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; hệ thống tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố và hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được thực hiện thường xuyên theo đúng các quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng tiếp tục được nâng lên. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) có tác động tốt đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hành động của toàn Đảng bộ.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành hoàn thành xuất sắc, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh tư liệu
2. Thực hiện thắng lợi 4 đề án của Chương trình 2 về “Lãnh đạo xây dựng Đảng bộ KTNN trong sạch, vững mạnh”
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy KTNN đã xây dựng và ban hành 2 nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo với 2 chương trình công tác và 8 đề án toàn khóa, trong đó, Nghị quyết số 65-NQ/ĐU ngày 08/4/2016 về “Lãnh đạo xây dựng Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trong sạch, vững mạnh” có 4 đề án, gồm: “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước”, “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chú trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán”, “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy với thanh tra, kiểm tra của Ngành” và “Đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo đối với các tổ chức đoàn thể của Kiểm toán Nhà nước”.
Bên cạnh thắng lợi trong thực hiện 4 đề án của Chương trình 1, việc thực hiện nghiêm túc 4 đề án của Chương trình 2 với nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ KTNN thời gian qua tác động tích cực đến hiệu quả công tác của toàn Ngành, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của KTNN trong hệ thống chính trị; có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; hệ thống tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố và hoàn thiện; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từng bước được nâng lên; cán bộ, đảng viên, nhất là KTV đã có sự thay đổi lớn về mặt nhận thức, về tư tưởng, tác phong lối sống và đạo đức nghề nghiệp; tại các đảng bộ, chi bộ, đa số không còn hiện tượng KTV sách nhiễu, gây phiền hà cho đơn vị được kiểm toán. Cấp ủy các đơn vị đã duy trì chế độ sinh hoạt đảng theo quy định. Nội dung sinh hoạt chi bộ, kể cả sinh hoạt chi bộ tạm thời được đổi mới, trong đó chú trọng sinh hoạt theo chuyên đề. Việc thực hiện đồng bộ 4 đề án và Chỉ thị số 05-CT/TW gắn kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã có tác động tốt đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hành động của toàn Đảng bộ.
3. Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng gắn với phát triển mạnh đội ngũ đảng viên
Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy KTNN tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng theo quy định của Điều lệ Đảng: thành lập thêm 2 chi bộ cơ sở, nâng cấp 4 chi bộ cơ sở lên đảng bộ cơ sở.
Toàn Đảng bộ đã cử 185 quần chúng ưu tú học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, cử 155 đồng chí học lớp đảng viên mới; kết nạp được 380 đảng viên mới, đạt tỷ lệ hơn 150% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VI đề ra (chỉ tiêu kết nạp 250 đảng viên mới); chuyển đảng chính thức cho 356 đảng viên dự bị, tiếp nhận 50 đảng viên chuyển đảng từ các đơn vị khác đến. Hiện nay, Đảng bộ KTNN có 34 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó gồm có: 14 đảng bộ cơ sở, 10 đảng bộ bộ phận, 4 chi bộ cơ sở, 6 chi bộ trực thuộc. Số lượng đảng viên tăng từ 1.295 (tháng 7/2015) lên 1.565 (tháng 6/2020), đạt tỷ lệ 71% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
4. Thành lập 600 chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán
Nhiệm kỳ qua, Đảng ủy KTNN tiếp tục thực hiện hướng dẫn thành lập chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngành nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm toán và công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chú trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán”, hằng tháng, Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành hướng dẫn, định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ. Trong nhiệm kỳ, trên 600 chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán đã được thành lập. Việc thành lập chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán đã trở thành nền nếp, chất lượng sinh hoạt ngày càng tốt hơn, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đối với hoạt động kiểm toán ngày càng nâng cao, công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên trong thời gian đi kiểm toán ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong hoạt động kiểm toán.
5. Đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên chặt chẽ, nền nếp và khoa học
Lấy hiệu quả công việc, phẩm chất, ý thức trách nhiệm làm thước đo đánh giá, hằng năm, Đảng ủy KTNN đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên một cách chặt chẽ, nền nếp, khoa học. Hằng năm, có từ 90 - 97% đảng bộ, chi bộ trực thuộc xếp loại “Tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong đó có từ 20 - 25% tổ chức đảng xếp loại “Tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong nhiệm kỳ, có 1 tổ chức đảng đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm liên tục được Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tặng Cờ thi đua.
Hằng năm, có từ 96 - 99% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, (trong đó có 18 - 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ). Trong nhiệm kỳ, có 54 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục, được tặng Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư và Giấy khen của Đảng ủy KTNN.
6. Hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đề ra
Đảng ủy KTNN thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo cấp ủy và UBKT các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, giám sát theo đúng chương trình, kế hoạch, đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VI đã đề ra.
Từ năm 2015-2019, cấp ủy các cấp, các chi bộ trong Đảng bộ đã tiến hành kiểm tra 224 lượt tổ chức đảng và 85 lượt đảng viên; tiến hành giám sát chuyên đề 116 lượt tổ chức đảng và 69 lượt đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra 23 lượt tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; giám sát chuyên đề 22 lượt tổ chức đảng và 8 lượt đảng viên; kiểm tra 20 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí.
Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp Đảng ủy, Ban cán sự đảng nắm chắc tình hình và kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân tiêu biểu; đồng thời phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, chỉ đạo quyết liệt, cương quyết đấu tranh với những sai phạm, xử lý nghiêm, kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế hoạt động của KTNN, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
7. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận; quan tâm công tác lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội
Đảng ủy KTNN luôn quan tâm lãnh đạo, làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận trong giai đoạn mới. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhằm phát huy tính sáng tạo, huy động sức mạnh của công chức, viên chức và người lao động trong xây dựng đời sống văn hóa mới, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đảng ủy KTNN luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức quần chúng. Trên cơ sở Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo đối với các tổ chức đoàn thể của Kiểm toán Nhà nước”, các tổ chức đoàn thể thường xuyên bám sát mục tiêu, kế hoạch của Ngành, nội dung Đề án của Đảng ủy KTNN để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.
Trong 5 năm qua, các tổ chức đoàn thể phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tập hợp đông đảo lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các hoạt động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
8. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ KTNN đã lãnh đạo thành công việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 phù hợp với địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Bên cạnh đó, KTNN đã tham gia tích cực trong việc đưa ra các ý kiến cụ thể về sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công...
Đảng bộ KTNN cũng đã tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quản lý, các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy trình kiểm toán. Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành mới hệ thống chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế ISSAI và phù hợp với đặc thù Việt Nam. Đến nay, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN (gồm 39 chuẩn mực và danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống Chuẩn mực KTNN). Để tăng cường công tác trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm toán, quản lý đội ngũ cán bộ, KTV, trong nhiệm kỳ, KTNN đã chú trọng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp, như: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Ban Kinh tế T.Ư; Ban Nội chính T.Ư; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước...
Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng. Ảnh tư liệu
9. Cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010. Sau 10 năm thực hiện, đến nay, KTNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng cơ quan KTNN có trình độ cao, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và tạo tiền đề, động lực phát triển cho những năm tiếp theo.
Để sẵn sàng cho một thời kỳ phát triển mới, KTNN cũng đã bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Theo đó, Ban cán sự đảng KTNN đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược với tầm nhìn: Xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công “Minh bạch - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng - Không ngừng gia tăng giá trị”, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để KTNN tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.
10. Hoạt động kiểm toán đạt nhiều kết quả nổi bật và quan trọng
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt của Đảng ủy, hoạt động kiểm toán nhiệm kỳ 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 67.050 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 82.788 tỷ đồng), tăng trên 3 lần so với nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2010-2014); kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 771 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho UBKT T.Ư, Ban Nội chính T.Ư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Nhiều cuộc kiểm toán đạt kết quả tốt như: kiểm toán Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; kiểm toán Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM; kiểm toán chuyên đề việc thực hiện một số hợp đồng BOT, BT...
Tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong nhiệm kỳ đạt 72 - 78% (tỷ lệ bình quân trong cả nhiệm kỳ là 74,7%), cao hơn so với tỷ lệ bình quân nhiệm kỳ trước (66,6%); nhiều kiến nghị kiểm toán tồn đọng các năm trước được cấp ủy các đơn vị trực thuộc lãnh đạo tổ chức kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện dứt điểm.
11. Hoạt động hợp tác quốc tế phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu
Hoạt động hợp tác quốc tế được Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục mở rộng và tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại kết quả to lớn, hiệu quả thiết thực. KTNN đã thiết lập quan hệ bền vững với hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có uy tín trong cộng đồng Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cùng nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức nghề nghiệp, nhà tài trợ song phương và đa phương trên thế giới.
Tại châu Á, lần thứ hai KTNN tham gia Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) (giai đoạn 2015-2024). Đặc biệt, tháng 9/2018, KTNN tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. KTNN đã chủ trì và lãnh đạo thành công 2 cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54, 55; đồng thời đưa ra sáng kiến “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã được Đại hội ASOSAI ra Tuyên bố Hà Nội, sáng kiến “Kiểm toán việc quản lý nước sông Mê Công” đã được Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 thông qua. Đây là sự kiện đối ngoại có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục khẳng định vị thế nổi trội trong khu vực ASEAN với vai trò sáng lập viên và Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEANSAI) thông qua việc chủ trì xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các Kế hoạch chiến lược ASEANSAI giai đoạn 2014-2017 và giai đoạn 2018-2021; đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ ngày càng bền vững giữa 3 cơ quan kiểm toán tối cao Việt Nam - Lào - Campuchia.
12. Phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới; thực hiện tốt nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề với quy mô lớn, phạm vi rộng
Thời gian qua, KTNN đã tích cực, chủ động tập trung phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới: kiểm toán CNTT, kiểm toán môi trường (KTMT), kiểm toán hoạt động (KTHĐ), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cụ thể, loại hình kiểm toán CNTT đã được thực hiện lồng ghép vào một số cuộc kiểm toán đối với các đơn vị, lĩnh vực sử dụng CNTT trong quản lý, điều hành nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành hệ thống CNTT và đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu phát sinh từ hệ thống CNTT... Bên cạnh đó, KTNN cũng đã tổ chức cuộc kiểm toán riêng về lĩnh vực CNTT tại một số cơ quan, đơn vị và đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quản trị CNTT như: Vietcombank, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
KTNN cũng đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc KTMT. Qua đó, đã bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, tác động xấu tới môi trường. Đồng thời, KTNN đã tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán này để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung với một số cơ quan kiểm toán tối cao và tham gia hội thảo về KTMT.
Nhiều năm gần đây, KTNN đã thực hiện lồng ghép nội dung KTHĐ trong các cuộc kiểm toán tài chính, đặc biệt là kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, ngành và địa phương. Hằng năm, KTNN còn ưu tiên lựa chọn các chương trình mục tiêu, dự án, chủ đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc có rủi ro cao về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực để tổ chức độc lập các cuộc KTHĐ theo quy trình và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Đến nay, số lượng các cuộc KTHĐ độc lập chiếm khoảng 10 - 15% số lượng các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện và có xu hướng tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc KTHĐ, kiểm toán chuyên đề ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng được xã hội quan tâm như: quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên, khoáng sản, BOT, BT, kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập...
Việc lựa chọn trúng chủ đề kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề đã đáp ứng một phần yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế. Kết quả kiểm toán chuyên đề đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn.
13. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin công nghệ cao, nhất là trong hoạt động kiểm toán
Những năm qua, KTNN luôn quan tâm tới việc phát triển và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động toàn Ngành. Năm 2019, KTNN ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó khẳng định quyết tâm của lãnh đạo KTNN trong việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa mọi mặt hoạt động của KTNN, bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, KTNN đã triển khai nâng cấp, đầu tư hạ tầng CNTT đảm bảo hoạt động an toàn, bảo mật cho hệ thống mạng của Ngành. KTNN cũng đã xây dựng được một số ứng dụng hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ của Ngành; xây dựng, triển khai và đưa vào áp dụng hệ thống các phần mềm giúp hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến khâu theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đang tiến hành xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán và hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán cho các lĩnh vực, DN, ngân hàng và ngân sách. KTNN đã áp dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm bê tông để thực hiện kiểm toán thành công một số cuộc kiểm toán ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk.
Trong giai đoạn tới, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của KTNN tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng hội nhập quốc tế.
14. Chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đạt hiệu quả tốt
Bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan và đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ. Điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước là Kế hoạch kiểm toán từ năm 2018 trở lại đây đã công khai rõ các đầu mối, đơn vị được kiểm toán và xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán; qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.
Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ được thực hiện nghiêm túc giữa hai cơ quan, trong đó, hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hằng năm; xử lý trùng lặp khi thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Hai cơ quan cũng thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động để tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tránh chồng chéo, trùng lặp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, kiểm toán.
15. Luân chuyển, biệt phái góp phần phát huy năng lực cán bộ, kiểm toán viên
Năm 2016, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN. Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo sự chủ động trong công tác quản lý, sử dụng công chức, bảo đảm sự kế thừa, phát triển và chuyển tiếp giữa các thế hệ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự ổn định và phát triển của Ngành.
Trong 5 năm qua, KTNN đã điều động, luân chuyển 287 lượt công chức, viên chức giữa các đơn vị trực thuộc, chuyển đổi vị trí công tác 210 lượt công chức, viên chức trong nội bộ các đơn vị, biệt phái 20 công chức, viên chức để tăng cường cho các đơn vị khó khăn trong công tác tuyển dụng. Nhìn chung, số cán bộ được điều động, luân chuyển, biệt phái cơ bản phát huy được năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, KTNN đang tiếp tục triển khai kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức, trong đó kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức lãnh đạo ở các đơn vị trực thuộc và tập trung bố trí công chức ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để phát hiện nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
16. Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm lãnh đạo theo hướng thiết thực
Công tác nghiên cứu khoa học được Đảng bộ KTNN quan tâm lãnh đạo theo hướng thiết thực và gắn với hoạt động kiểm toán, thực hiện đổi mới công tác quản lý nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2015-2020, KTNN đã thực hiện 63 đề tài cấp Bộ và 132 đề tài cấp Cơ sở. Các đề tài chủ yếu tập trung nghiên cứu các vấn đề phục vụ thiết thực cho các hoạt động kiểm toán. Kết quả nghiên cứu hoàn thành với kết quả đánh giá tương đối cao (khoảng 20% đề tài đạt kết quả Xuất sắc, 65% đề tài đạt loại Khá và 15% đề tài đạt yêu cầu).
Ngoài ra, KTNN cũng đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo cấp Bộ và quốc tế về các vấn đề nóng, bức xúc đang được dư luận xã hội quan tâm, kết quả hội thảo đã được biên tập in thành sách gửi đến các đại biểu Quốc hội để phục vụ các nhiệm vụ, hoạt động dân cử; tích cực tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế của INTOSAI và ASOSAI.
17. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt kết quả tốt
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Đảng ủy KTNN quan tâm lãnh đạo và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong 5 năm qua, chất lượng và quy mô đào tạo, bồi dưỡng đều tăng dần qua từng năm.
Trong nhiệm kỳ, toàn Ngành tổ chức được 332 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho 18.310 lượt công chức, viên chức; cử 577 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng bên ngoài Ngành; cử 750 lượt công chức, viên chức tham gia hội thảo, học tập, công tác tại nước ngoài. Kết quả đó góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức KTNN “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, hướng đến nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.
Cùng với đó, KTNN đã cử nhiều cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các nước, nhất là cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm đối với những lĩnh vực kiểm toán mới, như: KTMT, kiểm toán khai thác dầu khí, kiểm toán CNTT, ứng dụng CNTT trong công tác kiểm toán...
Với truyền thống đoàn kết, năng lực chuyên môn giỏi, đạo đức tác phong tốt, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, chắc chắn nhiệm kỳ tới KTNN sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm toán quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.