Giảm thiệt hại từ tác động của biến đổi khí hậu
Xã hội - Ngày đăng : 10:25, 13/08/2015
(BKTO) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức đối vớinhân loại trong thế kỉ 21. Đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề tại cáctỉnh miền Bắc là ví dụ điển hình của hiện tượng thời tiết cực đoan do tác độngcủa BĐKH. Qua sự việc này, chúng ta cần rút ra những bài học sâu sắc trong việcthích nghi, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng ngàycàng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã phải hứng chịu trận mưa lũ lịch sử. Ảnh: TK
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH. Theo thống kê trong 10 năm (2001 - 2010), số người mất tích và số người chết khoảng 9500 người, GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và tác động của BĐKH. Theo dự báo, đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH. Các tác động của BĐKH cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam..
Trong vòng 1 thập kỷ gần đây, số lượng các cơn bão mạnh và siêu bão hoạt động trên Biển Đông tăng 1,5 lần so với thập kỷ trước, gây nên thiệt hại đáng kể cho Việt Nam. Hiện tượng thời tiết cực đoan khác như nắng nóng, rét đậm, rét hại, khô hạn đều có xu hướng gia tăng. Điển hình như trong tháng 1/2015 có 1 đợt rét và băng tuyết đã bao phủ trên diện rộng các tỉnh, thành vùng núi phía Bắc; đợt mưa lớn trái mùa xảy ra vào tháng 3/2015 tại Quảng Ngãi; nhiều trận dông lốc, mưa đá xảy ra, đặc biệt là Đà Lạt (Lâm Đồng) có 2 trận mưa đá và 1 trận mưa lớn gây ngập lụt ở thành phố Đà Lạt; lốc xoáy tại Thủ đô Hà Nội và gần đây nhất là hiện tượng mưa lớn tại Quảng Ninh...
Lý giải cho hiện tượng này ông Bùi Minh Tăng - nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, những hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra thường xuyên hơn. Ví dụ như đợt mưa lịch sử ở Quảng Ninh, hoặc những trận bão mạnh thế kỷ như bão Haiyan đổ bộ vào nước ta năm 2013, bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006... Hiện tượng khí hậu thay đổi bất thường sẽ còn xảy ra trong thời gian tới mà chúng ta cần phải đề phòng.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, với diễn biến phức tạp do tác động từ BĐKH, không chỉ đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan đơn lẻ, trong tương lai, chúng ta có thể phải đối phó với hình thái thời tiết nguy hiểm kép như mưa lớn kết hợp với bão, mưa lớn kết hợp với triều cường, nước biển dâng do bão, gió mạnh lúc đó mức độ nguy hiểm sẽ còn tăng lên nhiều lần.
Cần có tầm nhìn dài hạn về thích ứng với BĐKH
Thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, có sức tàn phá kinh hoàng. Con người không thể ngăn cản, nhưng có thể phòng tránh để giảm nhẹ tác hại. Theo GS.TS Nguyễn Đức Ngữ - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thuỷ văn và môi trường: Để chủ động ứng phó trực tiếp với các tình huống có thể xảy ra, mỗi địa phương, mỗi ngành cần xây dựng các phương án phòng, chống theo nhiều cấp độ, từ tình huống ít nguy hiểm đến tình huống nguy hiểm nhất, gắn với đặc điểm và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực. Các phương án này cần được phổ biến rộng rãi, thường xuyên đến tất cả mọi người dân trong vùng. Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chỉ cần thông báo phương án áp dụng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giảm thiểu được thiệt hại, nhất là về sinh mạng con người.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt, phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH cần phải có giải pháp chiến lược dài hạn. Nhiều chuyên gia nhận định, quy hoạch là một trong những giải pháp quan trọng nhất, góp phần làm giảm thiệt hại, ít tốn kém và không gây tác hại đến môi trường. Các rủi ro và thiệt hại lớn do mưa lớn ở Quảng Ninh mới đây một phần bắt nguồn từ sự yếu kém của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong thời gian qua. Đã đến lúc từng ngành, từng địa phương cần nghiêm túc xem xét lại quy hoạch phát triển của mình, lồng ghép yêu cầu thích ứng với BĐKH phù hợp. Đây là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài. Thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số tiến bộ, như công tác phối hợp trong việc lập kế hoạch dài hạn cho thích ứng với BĐKH và quản lý nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Thành công này rất cần được nhân rộng tại ở các vùng miền khác.
HOÀNG LONG