Thư viện Kiểm toán Nhà nước: Không gian chia sẻ tri thức hiện đại

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:05, 04/08/2020

(BKTO) - Sau một thời gian xây dựng, tháng 6 vừa qua, Thư viện KTNN đã hoàn thành và đi vào hoạt động, sẵn sàng phục vụ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cũng như độc giả quan tâm đến lĩnh vực kiểm toán. Đây là Thư viện đạt chuẩn hiện đại với các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay ở Việt Nam.



Lãnh đạo KTNN và các đại biểu cắt băng khánh thành Thư viện KTNN. Ảnh: Lê Hòa

Thư viện đạt chuẩn hiện đại

Với thiết kế hiện đại, ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) và các đầu sách phục vụ trực tiếp cho công tác chuyên môn của Ngành cũng như trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), Thư viện KTNN trở thành một không gian chia sẻ tri thức hiện đại, đáp ứng nhu cầu của công chức, viên chức, kiểm toán viên và bạn đọc trong việc tự tra cứu, học, đọc tài liệu về các vấn đề chuyên môn một cách chủ động mà không cần sự can thiệp của thủ thư (cán bộ thư viện), dù người đọc có đang làm việc tại trụ sở hay đang công tác trên mọi miền tổ quốc.

Nói về tiện ích của Thư viện KTNN, ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng Hành chính (Văn phòng KTNN) - cho biết, mặc dù chỉ là thư viện có quy mô nhỏ của một ngành nhưng Thư viện KTNN đã được xây dựng theo mô hình thư viện điện tử, đạt chuẩn hiện đại với các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay ở Việt Nam. Với Thư viện KTNN, bạn đọc có thể tra cứu thông tin trực tiếp tại Phòng đọc hoặc khai thác từ xa kho tài liệu số trên không gian mạng bằng mã định danh (ID) của mỗi cán bộ, công chức, viên chức KTNN. Thư viện có trạm thủ thư phục vụ cho việc ghi thông tin định danh, đăng ký mã cá biệt; Máy mượn, trả sách tự động phục vụ cho độc giả tự thực hiện việc mượn, trả tài liệu; Cổng an ninh thư viện phục vụ kiểm soát tài liệu ra, vào Phòng đọc của Thư viện. Thư viện KTNN cũng được trang bị các thiết bị hiện đại như: máy in mã vạch, máy in thẻ nhựa, máy quét mã vạch…

Cũng theo ông Huy, các ấn phẩm truyền thống (tài liệu giấy) được quản lý bằng Phần mềm tin học hóa hoạt động thư viện và sử dụng công nghệ RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) cho phép máy tính nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu nhận sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý và lưu vết từng đối tượng riêng rẽ khi chúng được di chuyển giữa các vị trí vật lý khác nhau, bao gồm các trang thiết bị hiện đại mới nhất hiện nay. Các tài liệu dưới dạng điện tử (dạng số) được quản lý bằng Phần mềm thư viện số iLib (Thư viện Điện tử Tích hợp dành cho các thư viện lớn tại Việt Nam); đồng thời, được trang bị máy số hóa Bookeye (máy scan chuyên dụng số hóa tài liệu) thế hệ mới của Cộng hòa Liên bang Đức rất hiện đại, thực hiện số hóa và nhận diện tài liệu tự động...

Đóng vai trò lớn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Với những tính năng hiện đại, Thư viện KTNN đã thực sự trở thành một môi trường lý tưởng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên trong nghiên cứu tài liệu, phục vụ chuyên môn của Ngành, đặc biệt là trong công tác giảng dạy và NCKH. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) Lê Minh Nam cho rằng, Thư viện KTNN sẽ cung cấp thông tin về khoa học kiểm toán; các tài liệu, giáo trình, thông tin tham khảo cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, dữ liệu về kinh nghiệm quốc tế và các lĩnh vực khác cho cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên; tạo điều kiện dễ dàng cho việc truy cập, khai thác thông tin… từ đó phát huy khả năng tự học tập, tự nghiên cứu của giảng viên, học viên; phục vụ tốt hơn trong công tác giảng dạy và NCKH.

Bên cạnh đó, Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT cũng cho rằng, mặc dù Thư viện được đầu tư hiện đại nhưng con người vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trong đó, vai trò cụ thể được đặt lên vai người cán bộ thư viện. Vì vậy, thái độ và tính chuyên nghiệp của cán bộ thư viện sẽ có quyết định rất lớn giúp Thư viện trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, nơi truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ tri thức. Mặt khác, cán bộ thư viện không chỉ thực hiện các công việc hành chính như: lưu trữ, bảo quản, phát hành thẻ thư viện, quản lý việc mượn, trả sách mà còn phải là “chuyên gia tư vấn” cho khách tham quan, mượn tài liệu.

Để đạt được yêu cầu trên, ngoài việc có thái độ niềm nở, chuyên nghiệp, cán bộ thư viện cần phải có chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, gợi ý các đầu sách, tài liệu hiện đang có trong Thư viện mà bạn đọc cần tìm hiểu. Ngoài ra, với sự kết hợp của công nghệ hiện đại, cán bộ Thư viện cũng cần có sự am hiểu về CNTT để tư vấn, hỗ trợ bạn đọc trong việc tìm kiếm tài liệu, vận hành các trang thiết bị và hỗ trợ trong việc tổ chức các buổi làm việc nhóm, hội thảo nhỏ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau giữa người đọc.

Theo Đề án Xây dựng Thư viện ngành KTNN đã được Lãnh đạo KTNN phê duyệt, Thư viện sẽ có 5 nhân sự làm việc theo chế độ chuyên trách, phụ trách các công tác chuyên môn, gồm: 2 nhân viên đảm nhiệm quản lý vốn tài liệu (kho sách); 2 nhân viên đảm nhiệm phục vụ độc giả và 1 kỹ thuật viên CNTT. Trước mắt, việc quản lý Thư viện thuộc trách nhiệm của Văn phòng KTNN, tuy nhiên, thời gian tới, theo Đề án “Tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”, Trung tâm Công nghệ thông tin và Lưu trữ - Thư viện sẽ phụ trách, quản lý các hoạt động này.

LÊ HÒA - NGỌC ĐỨC