Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 - Những dấu ấn nổi bật

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:10, 04/08/2020

(BKTO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 27/7, Cuộc họp Ban Điều hành (BĐH) Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đã diễn ra thành công tốt đẹp, với nhiều nội dung nghị sự quan trọng được thảo luận, thông qua. Đây là lần đầu tiên một cuộc họp BĐH của ASOSAI được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kết quả của Cuộc họp đã thể hiện sự thống nhất hành động của ASOSAI nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, khuyến nghị đã đặt ra trong Tuyên bố Hà Nội.



Quang cảnh Cuộc họp BĐH ASOSAI lần thứ 55 tại điểm cầu KTNN Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Nỗ lực vì sự phát triển chung của Tổ chức

Dưới sự chủ trì của KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, Cuộc họp có sự tham dự đầy đủ của 12 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên BĐH ASOSAI; 2 SAI thành viên Ủy ban Kiểm toán (Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ) và Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI).

Phát huy tinh thần Đại hội ASOSAI 14 và Cuộc họp BĐH lần thứ 54 về việc triển khai Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, tại Cuộc họp lần này, với việc cải tổ chương trình nghị sự cho phù hợp với hình thức họp trực tuyến, BĐH ASOSAI đã tập trung thảo luận và thông qua nhiều nội dung nghị sự quan trọng. Theo đó, BĐH đã thảo luận và thông qua các báo cáo thể hiện những thành tựu đạt được cũng như phương hướng, kế hoạch của giai đoạn tiếp theo đối với công tác quản lý tài chính ASOSAI; hoạt động phát triển năng lực của ASOSAI; sự hợp tác của ASOSAI với các tổ chức khu vực; Kế hoạch chiến lược của ASOSAI; hoạt động của Nhóm công tác ASOSAI về Kiểm toán môi trường; báo cáo về Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 12.

Báo cáo hoạt động của BĐH kể từ Cuộc họp lần thứ 54 khái quát: ASOSAI đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động liên quan đến đào tạo và tăng cường năng lực. Đồng thời, Nhóm nòng cốt Quản lý kế hoạch chiến lược ASOSAI đã xây dựng và hoàn thiện Điều khoản tham chiếu của Nhóm, Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI, Đề cương Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027 gồm các nội dung thực hiện Tuyên bố Hà Nội. ASOSAI cũng luôn chú trọng tăng cường hợp tác với INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao) và các tổ chức khu vực thuộc INTOSAI nhằm tạo điều kiện giúp nâng cao năng lực chuyên môn của kiểm toán viên và năng lực hoạt động của SAI thành viên thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thông lệ tốt trong lĩnh vực kiểm toán chính phủ. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 - đánh giá, trong bối cảnh thế giới và châu Á đang đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng những hoạt động của BĐH vẫn diễn ra hiệu quả, theo đúng kế hoạch, thể hiện sự nỗ lực, đóng góp vì sự phát triển của ASOSAI trong thời gian qua.

Tăng cường hợp tác và chia sẻ để thực hiện sứ mệnh

Cùng với việc đánh giá những thành tựu đạt được, có thể thấy dấu ấn nổi bật và bao trùm trong các nội dung nghị sự của Cuộc họp chính là nỗ lực thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên ASOSAI trong việc thực hiện các mục tiêu chung. Tinh thần đó đã được thể hiện rõ qua việc thảo luận và quyết định nhiều vấn đề mới quan trọng tại Cuộc họp. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, sau Cuộc họp BĐH lần thứ 54 được tổ chức tại Kuwait, Chủ tịch, Tổng Thư ký và các thành viên BĐH ASOSAI đã nỗ lực để triển khai việc thực thi các mục tiêu, khuyến nghị nêu trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tại Cuộc họp này, BĐH đã thống nhất được những hành động cụ thể để hiện thực hóa các khuyến nghị đó.

Theo đó, xuất phát từ sáng kiến và đề xuất của KTNN Việt Nam, tại Cuộc họp, 12 thành viên trong BĐH và 2 SAI ngoài ASOSAI đều đã ủng hộ, thống nhất thông qua việc thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, do KTNN chủ trì với sự tham gia của một số SAI thành viên trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường giai đoạn 2020-2022, ASOSAI cũng sẽ tiến hành cuộc kiểm toán hợp tác về giao thông bền vững và Đề án nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Hướng đến mục tiêu thúc đẩy vai trò và sự chia sẻ của các SAI trong thực hiện SDGs, trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về kiểm toán SDGs, BĐH ASOSAI đã thảo luận và nhất trí thông qua việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về Kiểm toán SDGs. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về Kiểm toán SDGs là một trong những quyết định có tính tiên phong của ASOSAI và là 1 trong 7 nhóm làm việc khu vực của INTOSAI để triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược của INTOSAI về phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Cuộc họp, BĐH đã thảo luận, đưa ra nhiều sáng kiến và hành động để hỗ trợ các SAI thành viên ứng phó với đại dịch Covid-19. Điều này khẳng định trách nhiệm, năng lực và vai trò ngày càng cao của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong việc giải quyết những vấn đề mới nổi của khu vực.

Phát biểu bế mạc Cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: Cuộc họp đã mang đến một diễn đàn cởi mở, xây dựng trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau cho các thành viên BĐH để đưa ra các quyết định quan trọng đối với các hoạt động của ASOSAI và đưa đến các hành động rõ rệt hướng tới tầm nhìn và sứ mệnh của ASOSAI.
         
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, qua gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN đã thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt đối với 47 SAI thành viên, đặc biệt là BĐH với 12 SAI thành viên. Đối với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” tại Tuyên bố Hà Nội năm 2018, cùng với các SAI thành viên của ASOSAI, KTNN Việt Nam đã đẩy mạnh tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường như: kiểm toán rác thải, kiểm toán túi ni lông, kiểm toán môi trường tại các khu công nghiệp. Đặc biệt sáng kiến của KTNN về Chương trình kiểm toán việc quản lý dòng nước sông Mê Công đã được BĐH thông qua tại Cuộc họp lần thứ 55, nhằm kiến nghị Chính phủ các nước hai bên dòng sông Mê Công trong quản lý nguồn nước đảm bảo cho hàng trăm triệu cư dân có cuộc sống bền vững cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia xung quanh dòng sông Mê Công.
NHÓM PHÓNG VIÊN