Kiểm toán nguồn nước lưu vực sông Mê Công: Kiểm toán Nhà nước Việt Nam khẳng định nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 04/08/2020

(BKTO) - Tại Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành (BĐH) của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 diễn ra ngày 27/7, đề xuất của KTNN Việt Nam về việc thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Công đã được BĐH thông qua với sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của các SAI thành viên. Đề xuất này đã cho thấy nỗ lực, trách nhiệm và hành động mạnh mẽ của KTNN Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASOSAI trong việc thúc đẩy thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội; góp phần tăng cường bảo vệ môi trường trong khu vực.


Thách thức trong bảo vệ môi trường và nỗ lựccủa các SAI

Nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển môi trường bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của mỗi quốc gia, trong đó, các SAI đã và đang tham gia một cách tích cực, trách nhiệm vào công tác này.

Báo cáo trình bày tại Cuộc họp cho biết, từ năm 2012, ASEAN đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về môi trường bền vững”, trong đó đề ra 29 hành động nhằm hướng tới 3 mục tiêu chiến lược gồm: Bảo vệ và quản lý môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng giai đoạn này (2012-2013), trong khuôn khổ hợp tác ASOSAI, cuộc kiểm toán song song về chủ đề các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Công đã được thực hiện thành công với sự tham gia của 5 SAI gồm Thái Lan (SAI chủ trì), Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Liên bang Đức (GIZ).

Kết quả kiểm toán cho thấy, ở phạm vi quốc gia, hệ thống chính sách, pháp luật; việc tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông Mê Công nói riêng còn nhiều bất cập dẫn đến thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý, thiếu quy hoạch; tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, phát triển bền vững đã trở thành vấn đề xuyên quốc gia, không còn thuộc về từng quốc gia riêng lẻ. Trong khi đó, Hiệp định Hợp tác sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát sinh từ các hoạt động khai thác sử dụng nước quá mức, đặc biệt là sự phát triển mạnh của các đập thủy điện ở lưu vực thượng lưu và hạ lưu trên dòng chính.

Thành công của cuộc kiểm toán là bài học kinh nghiệm quý báu cho các SAI thành viên ASOSAI nói chung và các SAI khu vực Đông Nam Á nói riêng về vấn đề sử dụng và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước, đặc biệt là tài nguyên nước chảy qua địa phận của nhiều quốc gia. Từ đó, yêu cầu đặt ra với các bên là cần phải hành động, giải pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống và an sinh xã hội của cư dân thuộc địa phận nguồn nước chảy qua.

Cũng theo Báo cáo đánh giá do KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI - trình bày tại Cuộc họp: Đến nay, thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn về các vấn đề an sinh xã hội, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, xâm hạn mặn… Đặc biệt, trong vài năm gần đây, những vùng đất thuộc lưu vực sông Mê Công ở vùng hạ nguồn liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường… do biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, dòng chảy bị sụt giảm. Việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Công cũng là nguyên nhân chính làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu.

Cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ nguồn nước sông Mê Công

Trước những thách thức to lớn do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước khu vực sông Mê Công, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên tích cực của Nhóm công tác Kiểm toán môi trường ASOSAI, KTNN Việt Nam đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về chủ đề liên quan đến nguồn nước lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2020-2021.

Tại Cuộc họp BĐH ASOSAI lần thứ 55 với sự tham gia của 12 SAI, KTNN đã chính thức đề nghị các quốc gia có chung dòng Mê Công cùng thực hiện kiểm toán nguồn nước của dòng sông, để có những khuyến nghị, kiến nghị với các nước về việc đảm bảo đủ nguồn nước cho dòng Mê Công, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân. Chia sẻ về đề xuất này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Không đơn thuần là vấn đề của môi trường, mà tầm ảnh hưởng của sông Mê Công đang tác động trực tiếp đến sinh kế, đời sống của hàng trăm triệu cư dân, do đó rất cần được quan tâm, coi trọng”.

Theo đó, cuộc kiểm toán được KTNN Việt Nam đề xuất và sẽ chủ trì thực hiện có chủ đề: “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Chủ đề cuộc kiểm toán cũng phù hợp với mục tiêu chiến lược của INTOSAI và Kế hoạch chiến lược ASOSAI về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, SAI Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến của tất cả các SAI thành viên ASOSAI thuộc khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, có 3 SAI đã xác nhận tham gia cuộc kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Công gồm: SAI Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó, đề xuất cũng nhận được sự ủng hộ và cam kết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CAAF). “Theo quy định của ASOSAI, khi đề xuất có trên 2 thành viên tham gia thì có thể triển khai thực hiện” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.

Thảo luận tại Cuộc họp về nội dung này, các SAI đã bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình cao đối với đề xuất của KTNN Việt Nam. Trước ý kiến góp ý của SAI Nhật Bản đề nghị cân nhắc việc tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài dành cho các SAI trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, đại diện KTNN Việt Nam cho biết sẽ thảo luận sâu hơn với Tổng Thư ký ASOSAI về vấn đề này, nhằm bảo đảm tính độc lập trong quá trình thực hiện kiểm toán. “KTNN Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm các quy định của ASOSAI trong việc tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ từ đối tác ngoài tổ chức” - đại diện KTNN Việt Nam nhấn mạnh.

Sau Cuộc họp này, KTNN Việt Nam sẽ tiến hành những công việc tiếp theo trong kế hoạch triển khai cuộc kiểm toán, như: xây dựng kế hoạch kiểm toán, trao đổi với các SAI cùng tham gia về kế hoạch kiểm toán… Cuộc kiểm toán hợp tác kỳ vọng sẽ mang lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững nhằm cải thiện môi trường sống của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công.

NHÓM PHÓNG VIÊN