Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

Xã hội - Ngày đăng : 08:40, 04/08/2020

(BKTO) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức sống còn đối với nhân loại, đe dọa tới hòa bình, an ninh quốc tế, nhất là các khu vực bất ổn, xung đột, thậm chí có thể dẫn đến nảy sinh những tranh chấp, xung đột mới. Điều này đòi hỏi sự chung tay ứng phó của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.



BĐKH đang là thách thức sống còn đối với nhân loại, đòi hỏi sự chung tay ứng phó của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh quốc tế

Tháng 4 vừa qua, tại New York (Hoa Kỳ), 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đã họp trực tuyến về chủ đề BĐKH và các nguy cơ an ninh. Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Rosemary Di Carlo, yêu cầu nhận thức và ứng phó với các ảnh hưởng của BĐKH đối với hòa bình, an ninh quốc tế càng trở nên cấp bách. BĐKH khi cộng hưởng với các nguy cơ hiện có trở thành mối đe dọa cấp số nhân, khiến xung đột thêm trầm trọng. Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Dan Smith khẳng định, nguy cơ an ninh khí hậu là rất rõ ràng và cần được xem xét tùy từng bối cảnh cuộc xung đột.

Giám đốc Tổ chức Khủng hoảng toàn cầu Robert Malley cho biết, BĐKH làm tăng 10 - 20% nguy cơ xung đột, làm mất an ninh lương thực, người dân bị mất nhà cửa, cạn kiệt tài nguyên. Ông Robert Malley đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể tạo ra bức tranh giảm phát thải nhà kính trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, cùng với giá dầu giảm, kinh tế suy thoái sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực ứng phó với BĐKH.

Mới đây, tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của UNSC với chủ đề “BĐKH và An ninh” do Cộng hòa Liên bang Đức - Chủ tịch UNSC - cùng Nhóm các nước đồng quan điểm (LMG) tổ chức, các báo cáo viên và đại diện các nước tiếp tục nhấn mạnh, BĐKH là mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời là nhân tố có thể làm trầm trọng thêm các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế, nhất là các khu vực bất ổn, xung đột, thậm chí có thể dẫn đến nảy sinh những tranh chấp, xung đột mới.

Báo cáo về Chỉ số hòa bình thế giới được Viện Kinh tế và Hòa bình (Australia) công bố năm 2019 cũng cho thấy, BĐKH đang trở thành mối đe dọa đối với nền hòa bình tại các quốc gia trên thế giới trong thập kỷ tới. BĐKH gây ra xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, từ đó đe dọa sinh kế của người dân và gây ra hiện tượng di dân hàng loạt. Đáng quan ngại, gần 1 tỷ người hiện sống trong những khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của tình trạng toàn cầu ấm dần lên, khoảng 40% người trong số này sống tại các nước đang có xung đột.

Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất theo Chỉ số rủi ro khí hậu do Tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh Đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và Đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). BĐKH tác động đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Các chuyên gia về BĐKH cảnh báo, nếu mực nước biển dâng 1m thì sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, 3% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. HCM có nguy cơ bị ngập…

Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, Việt Nam đã và đang cùng với cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp ứng phó với vấn đề này. Trên cương vị Ủy viên không thường trực UNSC 2020-2021, Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy UNSC có thông điệp chính trị mạnh mẽ, thống nhất về vấn đề BĐKH, trong đó có việc tham gia đồng chủ trì Cuộc họp không chính thức về khí hậu và các nguy cơ an ninh do Pháp tổ chức ngày 22/4/2020 cũng như Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của UNSC ngày 24/7/2020.

Trong các phiên thảo luận và quá trình thương lượng văn kiện, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp các nội dung quan trọng, liên quan đến lợi ích của các nước đang phát triển, các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Đặc biệt, Việt Nam chia sẻ khó khăn của các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các nước Tây Phi, Sahel, khu vực Hồ Chad đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực của tình trạng BĐKH như: thiên tai, thời tiết cực đoan, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nước biển dâng. Việt Nam kêu gọi UNSC cần tiếp tục theo dõi và tăng cường cơ chế cung cấp thông tin về các nguy cơ tiềm tàng do tình trạng BĐKH có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời đề nghị UNSC tiếp tục thảo luận, hoàn thiện khuôn khổ thể chế về BĐKH.

Tại Phiên thảo luận mở hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết về BĐKH ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. Phó Thủ tướng cho rằng, tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt đối với hòa bình và thịnh vượng bền vững cho mọi người dân thế giới; UNSC cần giải quyết tận gốc nguyên nhân của xung đột như: đói nghèo, bất bình đẳng, chủ nghĩa quân phiệt và coi thường luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị UNSC bổ sung những phân tích về tác động của BĐKH trong các đánh giá về tình hình xung đột nhằm xây dựng một chiến lược toàn diện giải quyết xung đột, khủng hoảng. UNSC cũng cần ủng hộ nỗ lực của toàn hệ thống Liên Hợp Quốc trong ứng phó với BĐKH, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các nước đang phát triển, kém phát triển, đảo nhỏ và không có biển dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề xuất: BĐKH là một trong những thách thức toàn cầu, đòi hỏi giải pháp toàn cầu thông qua hợp tác đa phương do Liên Hợp Quốc điều phối.

HỒNG NHUNG