Thúc đẩy giáo dục quốc tế tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều khó khăn

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 04/08/2020

(BKTO) - Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới đang diễn biến phức tạp, cùng với đó, một số quốc gia tạm thời không tiếp nhận học sinh nước ngoài… đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn được trở về nước để học tập. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều kiện tốt để thúc đẩy chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tìm đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo.



GDĐH của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Ảnh: P.Tuân

Nhiều khó khăn, trở ngại

Những năm qua, giáo dục đại học (GDĐH) đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách tự chủ đại học và tăng cường hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng. Hiện nay, các cơ sở GDĐH của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại châu Á và trên thế giới. Việt Nam hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở GDĐH ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều cơ sở GDĐH ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến; môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hiện nay, các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Đây là dịp tốt cho các cơ sở GDĐH tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về nước tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đại diện các cơ sở GDĐH đã chia sẻ khó khăn mà họ đang gặp phải như: vấn đề xin visa và làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, sinh viên quốc tế muốn vào Việt Nam, đặc biệt sinh viên Việt Nam đang “mắc kẹt” ở nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông không tốt nên khi tham gia chương trình đào tạo quốc tế cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Liên kết quốc tế phải gắn với chất lượng đào tạo

Ngoài ra, một rào cản khác kìm hãm sự phát triển chương trình liên kết quốc tế trong các trường đại học là việc tìm đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM Bùi Xuân Hải, hiện nay, hầu hết các trường đại học tìm đối tác dựa vào mối quan hệ cá nhân. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần làm việc với Bộ Ngoại giao cùng các tham tán văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ việc lên danh sách các trường đại học nước ngoài có thiện chí với Việt Nam để các trường đại học trong nước liên kết nhằm có những chương trình đào tạo giáo dục quốc tế thật sự.

Trong khi đó, PGS,TS. Phạm Văn Song (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, nhiều trường đại học quảng cáo là trường quốc tế hay chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại không có thông tin rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần quản lý các thông tin, không để tình trạng đánh đồng các chương trình đào tạo; đồng thời, rõ ràng, minh bạch các cơ sở đào tạo, các chương trình quốc tế nhằm bảo đảm chất lượng thực trong liên kết đào tạo quốc tế hiện nay, tránh “nhập nhèm” gây hiểu lầm cho phụ huynh, sinh viên.

Đồng quan điểm, GS. Raymond Gordon - Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) - cho rằng, rất nhiều trường đại học trên thế giới mong muốn hợp tác, đầu tư giáo dục tại Việt Nam. “Đại học Việt Nam hãy cẩn trọng, lựa chọn đối tác uy tín, thương hiệu. Đặc biệt, cần minh bạch về tất cả các chương trình đào tạo. Nếu không rõ ràng chương trình đào tạo và các thông tin, các trường quốc tế sẽ không đầu tư, phối hợp” - GS. Raymond Gordon khẳng định.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cũng đồng tình với những đề xuất trên và đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để tạo ra môi trường GDĐH minh bạch. “Tôi thấy nhiều trường đi đâu, gặp đối tác nào cũng bày tỏ mong muốn hợp tác, điều này rất không nên. Trong việc hợp tác nên tiến tới sự bình đẳng; nhiều trường đại học tại Việt Nam tiếp cận bằng việc tận dụng thương hiệu của đối tác chỉ để có chữ “quốc tế”, nhưng chúng tôi nghĩ dần dần phải thiết lập sự bình đẳng trong hợp tác đào tạo mà trong đó, việc cấp song bằng là một bước đi đúng” - ông Sơn khuyến cáo về vấn đề lựa chọn đối tác chiến lược để xây dựng hợp tác của các trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Bên cạnh những chương trình tốt thì cũng có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, các trường đại học phải chú ý chất lượng thật, tránh tình trạng ghép từ “quốc tế” vào tên gọi. Tất cả chương trình đào tạo liên kết quốc tế phải tương xứng với chất lượng, chuyên nghiệp, đảm bảo minh bạch đối tác, học phí và chất lượng để học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn đúng và được đảm bảo bởi các trường đối tác.

LÊ HÒA