Đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với vùng sâu, vùng xa

Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 05/08/2020

(BKTO) - Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, đặc biệt là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì cũng cần tích cực phát triển mạng lưới đại lý thu; sự phối hợp, chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương.


                
   

Nhiều địa phương đã tích cực mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT đến tận thôn, bản - Ảnh: ST

   

Linh hoạt trong cách thức tuyên truyền

Là tỉnh miền núi, Sơn La có hơn 80% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, đời sống còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện. Do đó, để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hằng năm BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố trong việc phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH các huyện, thành phố; phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền chính sách BHXH đến tất cả các đoàn viên, hội viên.

Đến hết năm 2019, tỉnh Sơn La đã có gần 13.100 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 112,15% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng hơn 8.300 người so với năm 2018. Tính đến hết tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có trên 15.100 người tham gia BHXH tự nguyện.

Là địa phương dẫn đầu về phát triển BHXH tự nguyện của tỉnh Sơn La, những năm qua, BHXH huyện Thuận Châu đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới phương pháp tiếp cận, cách thức tuyên truyền để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Giám đốc BHXH huyện Thuận Châu Trần Thị Dung - chia sẻ, với đặc thù ở các vùng miền núi, người dân chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý nên trước khi vận động bà con tham gia, việc đầu tiên là cơ quan BHXH phải hướng dẫn người dân học cách chi tiêu khoa học, biết cách dành dụm, tích góp nguồn vốn. Sau đó mới hướng dẫn bà con lựa chọn mức đóng, thời gian đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Cùng với đó, cơ quan BHXH còn linh hoạt trong cách thức tuyên truyền như phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động, tạo được lòng tin của đồng bào; đồng thời có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến các xã, thị trấn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện mới chỉ dừng lại ở con số trên 400 người; sau 1 năm, con số này đã tăng lên là 1.718 người, đạt 108% kế hoạch.

Tích cực mở rộng đại lý thu

Cùng với việc đổi mới, thực hiện đa dạng các hình thức, phương thức tiếp cận, cách thức tuyên truyền, nhiều địa phương đã tích cực mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến tận thôn, bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện. Tại tỉnh Tuyên Quang, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Tuyên Quang) Đỗ Thị Minh Hiền cho biết, cơ quan BHXH luôn xác định nhân viên đại lý thu là những người tại địa phương, nên sẽ nắm bắt và hiểu rõ tình hình thực tế tại nơi mình công tác, từ đó triển khai vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đào tạo nhân viên đại lý thu, giúp đại lý bổ sung nhân viên kịp thời khi có biến động về nhân sự, đáp ứng đủ điều kiện để hoạt động theo đúng quy định. Đây là lực lượng gần dân, dễ tiếp cận nhân dân để tuyên truyền, mang lại hiệu quả cao trong việc tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT. Hằng năm, BHXH tỉnh tiến hành rà soát lại để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho đội ngũ nhân viên đại lý thu. Từ năm 2015 đến nay, BHXH tỉnh đã mở được 11 lớp đào tạo kỹ năng truyền thông cho hầu hết nhân viên đại lý thu xã, phường và bưu điện.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 410 điểm thu với 417 nhân viên, trong đó, đại lý thu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chiếm 60% với 290 điểm thu. Các đại lý luôn chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng, trực tiếp xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng lên hàng năm. Đến ngày 30/6, toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.569 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 62,8%.

BẢO TRÂN