Vượt khó để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 15:42, 06/08/2020

(BKTO)- Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên công tác thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ nay đến cuối năm dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn và gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, toàn ngành BHXH quyết tâm nỗ lực triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.


                
   

Cán bộ BHXH TP. Hồ Chí Minh tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân- Ảnh: Anh Thư

   

Hơn 1,1 triệu lao động ngừng việc không đóng BHXH

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, trong tháng 3 và tháng 4/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã làm cho các DN cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó một số ngành nghề bị ảnh hưởng lớn, có khoảng 60% đến 80% người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc làm.

Ngoài ra, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng rất lớn đến một số ngành nghề khác như: vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục; sản xuất sản phẩm từ gỗ. Nhiều DN phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường; trong số này nhiều DN gặp khó do không có nguồn thu; không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong hai tháng, có hơn 1,1 triệu lao động tạm thời ngừng việc không đóng BHXH bắt buộc. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên dự kiến 6 tháng cuối năm các DN chỉ tăng lại khoảng 400 nghìn lao động, đồng thời, do gặp nhiều khó khăn nên các DN buộc phải giảm tiền lương trả cho người lao động.

Từ tháng 5/2020 đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng khoảng 70 nghìn người so với tháng 4/2020. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là một số thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… nên việc nhập nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 6/2020 nhiều DN hết đơn hàng hoặc có rất ít đơn hàng nên buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc dừng hoạt động. Dự kiến từ tháng 7 đến tháng 10/2020 một số DN thuộc ngành nghề như may mặc, giầy da, công nghiệp phụ trợ … tiếp tục cắt giảm lao động dẫn đến việc không phát triển được đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Đơn cử như theo báo cáo của Tập đoàn dệt may Việt Nam, 70% sản phẩm sản xuất là xuất khẩu. Từ tháng 5 đến tháng 8/2020 phần lớn các DN hết đơn hàng, hết nguyên vật liệu, trong khi đó các nước vẫn đóng cửa biên giới nên việc nhập nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đến một số nước chưa thực hiện được. Do vậy, từ tháng 6/2020, các DN buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Dự kiến đến hết năm sẽ cắt giảm khoảng 400 nghìn đến 600 nghìn lao động/4,1 triệu lao động.

Linh hoạt nhiều giải pháp

Theo Trưởng ban Thu Dương Văn Hào, tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH trên cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP của Chính phủ (33,5%). Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019. Có 27 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giao…

Đặc biệt, từ ngày 26/7, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng và đã phát triển ra nhiều địa phương với số người mắc bệnh tăng nhanh. Dự kiến tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ rất phức tạp, tiếp tục làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của nhân dân, vì vậy công tác thu BHXH, BHYT, BHTN sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn do: không phát triển được đối tượng; người lao động phải ngừng việc; các DN tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, các DN gặp khó khăn tiếp tục nợ thêm tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8/2020 diễn ra ngày 04/8, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, do tác động từ dịch Covid-19 nên việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm sẽ hết sức nặng nề. Do đó, các địa phương cần chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo từng thời kỳ.

Để phát triển người tham gia BHXH đạt hiệu quả, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương cần tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những DN đang hoạt động nhưng không tham gia BHXH cho người lao động.

Đối với những nhóm tiềm năng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cần phải phân nhóm rõ ràng để đưa ra phương án tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với các đại lý tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo chiều sâu, bền vững, để người dân hiểu được giá trị cốt lõi của chính sách từ đó tự nguyện tham gia.

N. KIM