Hải Dương: Tăng cường kiểm soát nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế
Xã hội - Ngày đăng : 15:42, 06/08/2020
(BKTO)- Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm cân đối Quỹ Khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác KCB BHYT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hải Dương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, BHXH tỉnh cần phân tích, đánh giá để chỉ ra các nguyên nhân và có giải pháp để đảm bảo việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB được phân bổ đúng mục đích, hiệu quả và an toàn.
Hải Dương cần kiểm soát tốt chi phí KCB BHYT- Ảnh: ST |
Còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHYT
Theo Báo cáo của BHXH tỉnh Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYTcủa tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền lợi bệnh nhân được đảm bảo, nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 296 cơ sở KCB BHYT, toàn bộ các đơn vị liên thông dữ liệu đạt 100%, tỷ lệ cơ sở chuyển gửi hồ sơ đúng thời gian quy định luôn đạt trên 95%; việc cấp giấy ra viện, nghỉ việc hưởng BHXH, chứng nhận thai sản...được thực hiện trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.377.227 lượt người tham gia KCB với tổng chi phí cho KCB BHYT là trên 778 tỷ đồng (chi cho KCB ngoại trú là 344 tỷ đồng, chi cho KCB nội trú là trên 434 tỷ đồng).
Cùng với đó, cơ quan BHXH đã phối hợp cùng các cơ sở KCB BHYT giám định chi KCB BHYT tuân thủ đúng quy trình. Định kỳ hàng tháng, quý BHXH tỉnh và Sở Y tế tổng hợp tình hình KCB BHYT báo cáo UBND tỉnh về việc tăng giảm chi phí KCB BHYT và các vấn đề tồn tại cần khắc phục tại các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh. Các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, chất lượng KCB từng bước được nâng cao; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được phát triển tại các bệnh viện tuyến tỉnh góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm chi phí trực tiếp cho gia đình người bệnh. Đồng thời việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa quy trình tiếp nhận, khám bệnh, quản lý người nằm viện, quản lý hồ sơ bệnh án và thanh, quyết toán BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ khi đi KCB, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KCB BHYT những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: một số cơ sở KCB BHYT còn chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế quá mức cần thiết; chỉ định sử dụng rộng rãi thuốc có tính chất bổ trợ, hoặc chi phí về thuốc cho điều trị tiểu đường cao, thời gian KCB ngắn nhưng có chi phí xét nghiệm cận lâm sàng, tách liệu trình điều một đợt điều trị của bệnh nhân thành nhiều lần, tách đợt khám bệnh ngoại trú thành nhiều lần, kéo dài ngày điều trị, thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định…
Cần thay đổi nhận thức và hành vi đối với chính sách BHYT
Trước những bất cập trên, tại Hội nghị, các cơ sở KCB BHYT đã tập trung thảo luận, trao đổi đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra những giải pháp tích cực trong thời gian tới để sử dụng nguồn Quỹ KCB BHYT hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân thụ hưởng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc đảm bảo cân đối Quỹ BHYT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, cơ quan BHXH cần kịp thời phân tích, đánh giá số liệu chi phí KCB BHYT để chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, bất hợp lý làm gia tăng chi phí KCB BHYT dẫn đến vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán, đồng thời thông báo và yêu cầu các cơ sở KCB có giải pháp để đảm bảo việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB được phân bổ đúng mục đích, hiệu quả và an toàn, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần đổi mới nhận thức và thay đổi hành vi đối với chính sách BHYT, đổi mới phương thức thanh toán nhất là trong bối cảnh cơ chế tự chủ tại bệnh viện đang được thực hiện. Điều này hướng tới sự chủ động tại các bệnh viện, thể hiện rõ trách nhiệm cao hơn nữa của ngành y tế, các y bác sĩ, những người trực tiếp chỉ định các dịch vụ y tế điều trị cho bệnh nhân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu, để phấn đấu hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi đi KCB, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên tuyền làm thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân về chính sách để chủ động, tích cực tham gia BHYT, Sở Y tế, BHXH tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong tỉnh tích cực cải cánh hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, giải quyết ngay và triệt để các vướng mắc phát sinh tại cơ sở KCB, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi đi KCB.
Để thực hiện tốt dự toán chi KCB BHYT đã được UBND tỉnh giao năm 2020, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB chấn chỉnh ngay các vấn đề bất cập trong 06 tháng đầu năm đã được cơ quan BHXH phát hiện và thông báo cho cơ sở, đảm bảo sử dụng Quỹ KCB BHYT có hiệu quả. Đồng thời, cơ quan BHXH tỉnh tăng cường áp dụng tin học để giám sát giám định chi BHYT, phát hiện và báo cáo ngay các sai phạm, các chi phí quá mức cần thiết cho UBND tỉnh để chấn chỉnh kịp thời, đồng thời tạm ứng, thanh quyết toán đúng thời gian, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí KCB hiệu quả.
THU NGUYỆT