Tái cơ cấu nền kinh tế: Kết quả còn cách xa mục tiêu kỳ vọng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 07:25, 20/08/2015

(BKTO) - Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nềnkinh tế, những chỉ đạo, điều hành được đưa ra luôn tập trung vào ổn định kinhtế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, phân bổ lại nguồn lựctrong nền kinh tế theo cơ chế định hướng thị trường. Tuy nhiên, những kết quảmà Việt Namđạt được đến nay còn khoảng cách xa so với mục tiêu kỳ vọng.



Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát tình hình, tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ. Ảnh: T.S
Lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện trong bối cảnh hiệu quả của mô hình tăng trưởng kinh tế cũ dẫn đến những bất ổn vĩ mô, tất yếu đòi hỏi phải khắc phục hậu quả, tạo dựng mô hình tăng trưởng mới. Sau một thời gian “thai nghén”, mô hình mới đã được đưa ra với mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng bền vững dựa trên sự cải thiện không ngừng của năng suất. Động lực tăng trưởng kinh tế chuyển mạnh từ dựa vào tăng trưởng quy mô các yếu tố đầu vào là chủ yếu sang từng bước gia tăng hiệu quả, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp. Cạnh tranh dựa trên quy mô sản xuất lớn, hiệu quả cao, liên kết chặt chẽ trong cụm liên kết ngành; đồng thời tiếp tục hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Ông Nguyễn Tú Anh - Trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu rõ, muốn đạt kết quả tăng trưởng cao hơn thì phải phát triển sản xuất quy mô lớn. Do đó, cần thiết phải quay trở lại với tích tụ nhưng thực hiện theo cơ chế thị trường và sự tự nguyện của người dân. Điều này hiện nay đang diễn ra không chỉ ở khu vực nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp mà cả ở lĩnh vực ngân hàng.

Nhưng theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năng suất lao động trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đi xuống, đó là do nguồn lực không được sử dụng và phân bổ một cách hiệu quả, đây chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách cần quan tâm.

Tái cơ cấu nền kinh tế xác định trọng tâm tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, thời kỳ tái cấu trúc kinh tế từ năm 2010 đến đầu năm 2015 cũng là thời kỳ mà tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP của Việt Nam giảm liên tục và tiệm cận mức huy động thời kỳ thấp nhất vào những năm cuối 1990-2000.

Như vậy mặc dù trong quá trình tái cấu trúc, nền kinh tế suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhu cầu chi ngân sách cao nhưng Chính phủ vẫn cố gắng giảm mức huy động ngân sách để hỗ trợ DN thực hiện tái cấu trúc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ lấn át của khu vực công đối với khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trên góc độ thu ngân sách là ở mức trung bình thấp của thế giới và tiếp tục giảm. Mô hình tăng trưởng cũ do đầu tư Nhà nước dẫn dắt, tuy nhiên, sau quá trình tái cơ cấu vừa qua, Nhà nước vẫn phân bổ nguồn lực vào khu vực đầu tư công rất lớn, chưa đạt mục tiêu đảm bảo những cân đối lớn, phân bổ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tuy kỷ luật đầu tư công đã được “siết” bằng nhiều văn bản pháp lý mới được ban hành, nhưng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn rất lớn. Qua kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, đến hết năm 2014, tỉnh Bến Tre có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng; Kiên Giang có 31 dự án với số tiền là 31 tỷ đồng; Lào Cai có 58 dự án với số tiền là 193,6 tỷ đồng; Ninh Bình tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng… Vì thế, các chuyên gia của CIEM cho rằng, kỷ luật và kỷ cương trong đầu tư công chưa thật sự chặt chẽ. Còn khu vực tư nhân cạnh tranh theo cơ chế thị trường, nhưng trong khu vực tư nhân có sự cách biệt rõ nét giữa DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về quá trình tái cơ cấu DNNN, chuyên gia của CIEM đánh giá, tuy Chính phủ đã thực hiện khá tích cực, rất nhiều Nghị định và các văn bản pháp luật khác được ban hành nhưng 2 thay đổi cốt lõi trong cải cách DNNN vẫn chưa thực hiện được như mong đợi, đó là tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện giới hạn ngân sách cứng đối với DNNN.

Với những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng niềm tin thị trường, lạm phát đã và đang giảm mạnh, nhưng lãi suất thực để DN tiếp cận vốn vẫn cao - đây chính là rào cản khiến tín dụng không đến được với DN. Ông Nguyễn Tú Anh nêu câu hỏi: “Trong bối cảnh khó khăn, ngành ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao, phải chăng những chi phí khắc phục hậu quả trong quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng đang được đẩy sang cho đối tượng khác là các DN?”.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trình Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 10 sắp tới. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát tình hình, tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2015; đổi mới chính sách, đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới.

HỒNG THOAN