Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 19:08, 09/08/2020
(BKTO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý, sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về BHXH, BHTN; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm.
Nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam gồm xác định, khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT; tổ chức thu hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu các khoản đóng BHXH, BHTN, BHYT của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân; tiếp nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước để chi các chế độ bảo hiểm; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ bảo hiểm; tổ chức ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; kiểm tra việc đóng, trả BHXH, BHTN, BHYT đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân theo quy định của pháp luật…
BHXH Việt Nam quản lý và sử dụng các quỹ BHXH gồm: quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ BHTN; quỹ BHYT theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích; tổ chức hạch toán các quỹ BHXH, BHTN, BHYT. Hằng năm, BHXH Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT sau khi được Hội đồng quản lý BHXH phê duyệt; thực hiện quản lý rủi ro đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật.
Về hệ thống tổ chức, BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương gồm: BHXH Việt Nam ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc BHXH Việt Nam; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc BHXH tỉnh. Không tổ chức đơn vị BHXH huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn.
BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 5 Phó Tổng Giám đốc. Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở trung ương gồm các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc và quy định kinh phí hoạt động của BHXH tỉnh. Số lượng Phó Giám đốc BHXH tỉnh bình quân không quá ba người. Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế và quy định kinh phí hoạt động của BHXH huyện.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc và các phòng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Sắp xếp giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025; Sắp xếp giảm BHXH huyện theo Nghị quyết số 37-NQ/TW.
THANH XUYÊN