Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước

Đối nội - Ngày đăng : 08:40, 11/08/2020

(BKTO)- Sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên tham dự phiên họp.


Liên quan đến việc thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) của KTNN, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất chỉnh lý theo hướng bổ sung thẩm quyền của UBTVQH quy định cụ thể về xử phạt VPHC trong hoạt động KTNN.
                
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN là không phù hợp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về xử phạt VPHC của KTNN để thống nhất với Luật KTNN.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LuậtKTNN (năm 2019) đã quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 6a Điều 11 Luật KTNN). Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật KTNN, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định có liên quan như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN; thẩm quyền xử phạt của KTNN, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; trách nhiệm quản lý nhà nước về xử phạt VPHC…
                
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Riêng về thẩm quyền quy định cụ thể hành vi VPHC, hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi VPHC... trong lĩnh vực KTNN, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Điều 4 Luật Xử lý VPHC hiện hành giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động KTNN không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ nên việc căn cứ vào quy định nêu trên để giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt VPHC trong hoạt động KTNN là không phù hợp.

Thực tiễn triển khai Luật Xử lý VPHC năm 2012 cho thấy, cũng vì lý do tương tự mà Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính tuy đều quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý VPHC nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được văn bản quy định cụ thể về xử phạt VPHC đối với các hành vi này.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH cho chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung thẩm quyền của UBTVQH quy định cụ thể về xử phạt VPHC trong hoạt động KTNN và đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành pháp lệnh để quy định rõ từng hành vi xử phạt

Giải trình thêm nội dung này tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, KTNN không thuộc hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ. Các thẩm quyền của KTNN cũng như chế độ báo cáo là báo cáo trực tiếp Quốc hội và UBTVQH. Mặt khác, việc bổ sung quy định về xử lý VPHC trong hoạt động KTNN là khó và không khả thi, bởi không xác định được những hành vi như thế nào trong hoạt động KTNN là vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp xử lý VPHC.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, một số trường hợp có khúc mắc trong hoạt động của KTNN thì KTNN có quyền kiến nghị và chuyển hồ sơ các hành vi như vậy đến các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, thanh tra, tố tụng...

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định, hành vi VPHC trong hoạt động KTNN hiện nay rất rõ, như: hành vi cản trở hoạt động KTNN; không cung cấp đầy đủ thông tin cho hoạt động kiểm toán theo yêu cầu của Luật KTNN; không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN, khiến cho tính hiệu lực và tính nghiêm minh trong vấn đề thực hiện pháp luật bị hạn chế, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị trung bình chỉ đạt 75-76%. Đối tượng vi phạm các hành vi trên cũng rất rõ.
                
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại phiên họp- Ảnh: Trọng Quỳnh

Đồng tình với đề xuất của Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra thực tế,vi phạm tố tụng từ năm 2012 đến nay là một tồn tại trong quá trình thực hiện do vướng về các quy định cụ thể của pháp luật hoặc hướng dẫn về quy định của pháp luật. Vì vậy, tại Dự thảo Luật lần này, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đưa vào thẩm quyền của UBTVQH quy định cụ thể vấn đề này trong lĩnh vực KTNN cũng như trong thực hiện tố tụng là rất hợp lý; bởi nếu không đưa vào thì sẽ tạo “khoảng trống” của pháp luật. “Đây là vấn đề cần quy định cụ thể để nhất quán và cụ thể trong thực hiện”- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu quan điểm.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, KTNN đồng tình với quy định về mức phạt như trong Dự thảo Luật với mức tối đa là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, về thẩm quyền xử phạt, KTNN đề nghị Dự thảo Luật cần hoàn thiện theo hướng quy định thẩm quyền xử phạt là thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, vấn đề về đơn vị bị xử phạt cũng cần quy định cụ thể hơn. "Khi quy định UBTVQH xây dựng các nghị quyết hoặc pháp lệnh, KTNN sẽ có trách nhiệm xây dựng dự thảo để trình UBTVQH"- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC sẽ quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực KTNN, quy định mức phạt trần tối đa và đề nghị Quốc hội giao cho UBTVQH ban hành một pháp lệnh để quy định rõ, cụ thể từng hành vi, mức phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực này. Riêng vấn đề cơ chế để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu nhằm vận dụng quy định của luật để áp dụng trong pháp lệnh đó.

Đ. KHOA