Xung quanh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng: Nhiều vấn đề được đặt ra
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 20/08/2015
(BKTO) - Trước thềm diễn ra phiên họp lần thứ haicủa Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) để quyết định mức tăng lương tốithiểu vùng năm 2016, đại diện người lao động (NLĐ) và giới chủ vẫn tiếp tục bàytỏ những ý kiến trái chiều. Đây không phải là lần đầu tiên hai bên tranh luận “nảylửa” xung quanh mức đề xuất tăng lương kể từ khi HĐTLQG được thành lập. Điềunày cho thấy, dù cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu đã có nhiều tiến bộ song bàitoán tăng lương tối thiểu vẫn không phải là một phép tính giản đơn.
Hội thảo “Tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của NLĐ trong các DN năm 2015” do TLĐLĐVN tổ chức. Ảnh: THÀNH ĐỨC
Theo Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Mai Đức Chính, trong 3 phương án, phương án 2 đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350 nghìn đồng/tháng đến 550 nghìn đồng/tháng, là đề xuất sẽ tiếp tục được TLĐLĐVN “bảo vệ” tại cuộc họp tới với các lý do sau: Thứ nhất, việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu nhằm bảo đảm đúng lộ trình tăng lương vào năm 2017 và thực thi một cách nghiêm túc Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012 (mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ).
Thứ hai, đại diện giới chủ cho rằng khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực vào năm 2016 thì DN sẽ phải đóng thêm 24% của các khoản phụ cấp tăng thêm cho NLĐ tham gia BHXH; hơn nữa kể từ ngày 01/01/2018, DN sẽ phải đóng thêm các khoản bổ sung khác ngoài tiền lương, phụ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên trên thực tế, khoản đóng BHXH này phát sinh không nhiều, các khoản phụ cấp trách nhiệm và độc hại đã được đóng từ trước, phụ cấp còn lại chủ yếu là tiền chuyên cần, hỗ trợ đi lại, nhà ở, nuôi con nhỏ… nhưng tỷ lệ NLĐ được hưởng không cao. Thứ ba, mức lương DN thực trả cho NLĐ cao hơn nhiều so với mức lương đóng BHXH; do vậy, đề xuất trên không gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp còn đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong hội nhập, bởi thực tế mức lương tối thiểu ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, phương án tăng lương mà TLĐLĐVN đưa ra là chưa phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trước đó, tại cuộc họp của HĐTLQG, VCCI kiến nghị mức tăng lương tối thiểu vùng là 10% với lý do DN vẫn chưa hết khó khăn, 70% DN kinh doanh không có lãi. Ngoài ra năm 2016, nhiều chính sách về BHXH, an toàn lao động có hiệu lực đòi hỏi DN phải “gánh” thêm nhiều khoản chi phí khác.
Do đó, mức tăng này nhằm đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của DN, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ. Lập luận này cũng phù hợp với quan điểm của Hiệp hội Dệt may. Theo Hiệp hội, tính từ năm 2010 đến nay tiền lương tối thiểu vùng đã tăng 2,2 đến 2,3 lần; đây là mức tăng cao và nhanh. Với tốc độ tăng tiền lương như vậy, ngành Dệt may sẽ khó thu hút nhà đầu tư rót vốn. Bởi vậy, Hiệp hội đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không vượt quá 6% so với năm 2015, các năm 2017 và 2018 sẽ tăng khoảng 7%/năm.
So với hai năm trước, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu giữa TLĐLĐVN và VCCI năm nay đã phần nào được rút ngắn, song cuộc tranh luận chưa ngã ngũ của đại diện hai bên cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến việc xác lập cơ chế tiền lương cần được “hóa giải”.
Sự ra đời của HĐTLQG là một bước tiến mới trong việc xác lập mức tiền lương tối thiểu theo cơ chế ba bên. Để các bên có chung cơ sở đàm phán và thống nhất các mức tiền lương, theo kiến nghị của TLĐLĐVN, bộ phận kỹ thuật và các bên trong HĐTLQG cần xem xét và thống nhất lại cách tính toán mức sống tối thiểu, lựa chọn cách thu thập và xử lý thông tin; định kỳ 3 năm hoặc 5 năm tổ chức khảo sát thực tế hoặc đặt hàng các cơ quan chuyên môn (Tổng cục Thống kê) đảm bảo có kết quả tin cậy và công bố hàng năm.
Sự thiếu thống nhất trong tính toán mức sống tối thiểu gây khó khăn cho việc xác lập chính xác mức lương tối thiểu. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sớm xây dựng, trình Quốc hội Luật Tiền lương tối thiểu, trong đó bên cạnh những điều khoản liên quan đến mức lương tối thiểu vùng, cần quy định thêm mức lương tối thiểu ngành để đảm bảo sự phù hợp.
Một yếu tố quan trọng giữ cho quan hệ lao động hài hòa, giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và phát triển chính là thương lượng tập thể về tiền lương. Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tiền lương tối thiểu chỉ nên áp dụng cho nhóm lao động thu nhập thấp còn với nhóm lao động có mức lương cao hơn tiền lương tối thiểu, Việt Nam nên đẩy mạnh thương lượng tập thể, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo sự kết nối tốt hơn giữa vấn đề tiền lương và năng suất lao động.
MAI THOAN