Đề xuất bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Chính trị - Ngày đăng : 21:35, 11/08/2020
(BKTO) - Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 11/8, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: TTXVN |
Chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm tại phiên họp là về quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV.
Trình bày Tờ trình, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, một trong những tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS là quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điều này làm phát sinh một số khó khăn, bất cập như: nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác; do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên không thể xác định được đối tượng, khu vực lây nhiễm HIV cao để có biện pháp chống HIV/AIDS phù hợp; gây khó khăn trong thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, chưa bảo đảm đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm...
Tại dự luật trình UBTVQH, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. Đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua thảo luận, còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin và nên sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc, theo đó các chủ thể được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban tán thành ý kiến thứ hai.
“Chính sách mở rộng các chủ thể được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế” – bà Nguyễn Thúy Anh lí giải.
Mặt khác, theo bà, thực tiễn giám sát cho thấy, có một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách công vụ (ví dụ trong quá trình lập danh sách người cần hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (bao gồm cả người nhiễm HIV); để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, có những đối tượng được phép tiếp cận với hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân, trong đó có thể có thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh... Do đó, Dự án Luật cần tiếp cận vấn đề này một cách bao quát hơn để quy định phù hợp và bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung theo hướng không chỉ chủ thể mà còn theo các trường hợp cụ thể để không làm phát sinh các hệ lụy pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, bảo vệ bí mật thông tin của người nhiễm HIV là chủ trương nhất quán từ trước đến nay khi thực hiện các Công ước quốc tế về quyền con người cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Vì vậy, trong khám chữa bệnh, trong thông tin truyền thông cần làm thế nào để đảm bảo nguyên tắc này.
Đồng thời lưu ý, với mục tiêu đến 2030, Việt Nam không còn người bị AIDS, công tác truyền thông về biện pháp phòng ngừa, khám chữa bệnh, việc nguồn lực cho công tác này cần được quan tâm, làm quyết liệt hơn nữa.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, đây là vấn đề có liên quan đến quyền bí mật thông tin của công dân đã được Hiến pháp bảo vệ và quy định rõ trong Luật Tiếp cận thông tin. Vì vậy, trái với một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin và nên sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc, ông cho rằng “nếu có thể quy định cụ thể thì nên quy định cụ thể để kiểm soát tốt hơn”.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, phải bảo đảm hài hòa giữa việc mở rộng đối tượng thông tin với quyền được bảo vệ bí mật của bản thân người nhiễm HIV. “Nên cân nhắc bổ sung thêm quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin. Ai được tiếp cân? Mục đích sử dụng là gì?Trách nhiệm nếu để lộ lọt” - ông đề nghị.
Theo dangcongsan.vn