Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030
Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 13/08/2020
(BKTO) - Trên cơ sở Tờ trình của KTNN, ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Chiều 12/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của KTNN tham dự Phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh: Quang Khánh |
Báo cáo UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã có Tờ trình báo cáo UBTVQH về việc xây dựng Chiến lược của KTNN. Dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi lấy ý kiến của 16 Bộ, ngành. Đến nay, KTNN đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 40 để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo đó, Chiến lược xác định tầm nhìn của KTNN trong giai đoạn tới là xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Sứ mệnh của KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Giá trị cốt lõi của KTNN là: Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tại Phiên họp- Ảnh: Quang Khánh |
Về quan điểm phát triển, Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTNN; tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển KTNN phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực và thế giới.
Đồng thời bảo đảm tính độc lập đối với hoạt động KTNN; tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Phát triển KTNN phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó việc ứng dụng công nghệ và công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của KTNN được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trên cơ sở đó, Chiến lược tập trung vào một số nội dung cụ thể: hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.
Đánh giá tác động của Chiến lược, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Chiến lược sẽ định hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; là cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán có lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước. Đồng thời nâng cao giá trị ý kiến kiểm toán về đánh giá, xác nhận các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách các cấp; tích cực phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia.
Bên cạnh đó, KTNN cũng nhìn nhận rõ những thách thức và đề ra hướng khắc phục, giải pháp nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược. Trong đó, KTNN xác định lộ trình thực hiện Chiến lược gồm hai giai đoạn (giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2025- 2030).
Thẩm tra Tờ trình của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, qua gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản thực hiện được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra. Do vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập, định hướng rõ các mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, việc xây dựng Chiến lược phát triển cho KTNN giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phù hợp với Luật KTNN.
Để đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong tổ chức và hoạt động của KTNN, cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định ban hành Chiến lược tại phiên họp tháng 8/2020, trên cơ sở đó, KTNN xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược để thực hiện từ năm 2021 là phù hợp.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và sự cầu thị của KTNN trong xây dựng Dự thảo Chiến lược đảm bảo chất lượng. Đồng thời, các ý kiến cũng ghi nhận và đánh giá cao vai trò, sự trưởng thành, không ngừng lớn mạnh của KTNN, đặc biệt là những đóng góp tích cực, to lớn của KTNN đối với sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước sau 26 năm thành lập.
Với tinh thần đó, các ý kiến trong UBTVQH đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Chiến lược cũng như tán thành nhiều nội dung, đề xuất của KTNN trong Dự thảo Chiến lược, đặc biệt là các nội dung liên quan đến biên chế, bộ máy và việc thành lập một số đơn vị thuộc KTNN.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, việc xây dựng Chiến lược là căn cứ trên tinh thần nghị quyết của T.Ư, kết luận của Bộ Chính trị, căn cứ quy định của Hiến pháp và đặc biệt là yêu cầu đổi mới hoạt động kiểm toán một cách toàn diện hơn. “Cần phải có một chiến lược để đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm toán phải kịp thời, công khai, minh bạch. Đây là một trong những yêu cầu rất lớn mà Quốc hội giao cho KTNN”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp- Ảnh: Quang Khánh |
Đồng tình với nhiều nội dung trong Dự thảo Chiến lược, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý KTNN cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích về KTNN; đồng thời mở rộng lĩnh vực, nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; đảm bảo uy tín, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của KTNN, mở rộng hợp tác, tăng cường học hỏi từ bạn bè quốc tế.
Thảo luận tại phiên họp, đề xuất của KTNN trong Dự thảo Chiến lược về việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm. Đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng đây là yêu cầu hợp lý và cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KTNN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến cho rằng, với quy mô của KTNN mà hiện nay chỉ có Ban Tài chính trực thuộc Văn phòng và là đơn vị dự toán cấp 2 là không phù hợp với Luật NSNN nên cần thiết phải nâng lên thành vụ Tài chính.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán nhằm đảm bảo chính danh, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, định hướng trong 10 năm tới cần thành lập Học viện Kiểm toán. Trước khi thành lập KTNN cần có Đề án cụ thể, đảm bảo Học viện được bổ sung vào mạng lưới quy hoạch đào tạo, tuân thủ Luật Giáo dục, đào tạo, Luật Giáo dục đại học và phải có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi thành lập.
Về biên chế của KTNN trong giai đoạn tới, KTNN xác định nguồn nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600-2.700 người. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong UBTVQH cho rằng, biên chế của KTNN cần được quy định theo hướng mở để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và nhiều ý kiến đề nghị Chiến lược nên quy định theo hướng: nguồn nhân lực đến năm 2030 là không quá 2.700 người, số lượng trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Hoạt động kiểm toán của KTNN trong 26 năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. |
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH nhất trí cao đối với Dự thảo Chiến lược và ủng hộ quan điểm của KTNN đã trình. Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị KTNN tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược để bảo đảm chặt chẽ, tránh trùng lặp, tập trung vào mục tiêu, quan điểm phát triển, nội dung chiến lược, giải pháp và tổ chức thực hiện; đồng thời xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trong hai giai đoạn...
UBTVQH biểu quyết thông qua Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030- Ảnh: Quang Khánh |
Tại Phiên họp, với 100% Ủy viên UBTVQH tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Dự thảo Chiến lược về mặt nguyên tắc. Trên cơ sở đó, UBTVQH giao Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, KTNN và các cơ quan liên quan hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, báo cáo lại UBTVQH bằng văn bản để hoàn thiện trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của KTNN, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2030 là “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ HĐND, UBND địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. |
N. HỒNG