Áp dụng mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc: “Căn cước” để hàng hóa hội nhập thế giới
Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 14/08/2020
(BKTO) - Truy xuất nguồn gốc (TXNG) đang trở thành mối quan tâm chung của nhân loại trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan. Tại Việt Nam, hoạt động này đã được thực hiện thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Giới chuyên gia khuyến nghị, đẩy mạnh hoạt động TXNG thông qua mã số, mã vạch (MSMV) là “căn cước” để hàng hóa hội nhập với thế giới.
Truy xuất nguồn gốc vẫn mang tính khép kín, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ
Đến nay, hệ thống TXNG nông sản, thực phẩm của TP. Hà Nội đã hoàn thành các module quản lý cho Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 30 quận huyện, thị xã, 2 chợ đầu mối nông sản loại một; 1 module quản lý chợ dân sinh; 1 module quản lý sản phẩm OCOP và khởi tạo vận hành cơ sở dữ liệu theo từng cây quản trị dành cho nhà sản xuất, nhà phân phối, logistics, nhà quản lý và người tiêu dùng. Thông qua hệ thống TXNG, người tiêu dùng có khả năng tiếp cận dễ dàng các nguồn thông tin liên quan đến sản phẩm, hàng hóa bằng các thiết bị di động.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam Phó Đức Sơn thừa nhận, việc TXNG mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn. Nhiều hệ thống TXNG hiện vẫn mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác do thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt, chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ mà không sử dụng các mã phân định đơn nhất toàn cầu. Việc tự đặt các mã phân định (sản phẩm, địa điểm, các bên tham gia) không đơn nhất dẫn đến có thể xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống TXNG.
Theo ông Sơn, TXNG đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia TXNG. Thói quen và ý thức làm việc không tuân thủ quy trình, ngại ghi chép cũng là yếu tố làm hạn chế thành công của các DN Việt Nam khi xây dựng hệ thống TXNG.
Từ góc nhìn của DN, Chủ tịch Công ty Vina CHG Nguyễn Viết Hồng cũng cho hay, hệ thống dữ liệu TXNG chưa có chuẩn chung, dữ liệu giữa các địa phương chưa đồng bộ. Nhân sự thực hiện còn thiếu, hệ thống phần mềm quản lý mã QR để TXNG cũng chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, DN và người tiêu dùng chưa nhìn thấy hiệu quả thực sự của việc TXNG; chưa có sự giám sát và quản lý của Nhà nước đối với thông tin được truy xuất; còn tình trạng làm giả/sao chép tem truy xuất/mã QR trên bao bì...
Chưa kể, việc áp dụng MSMV trong TXNG được coi là công cụ hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của DN trên thị trường, đồng thời là “căn cước” để hàng hóa hội nhập thế giới. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, hoạt động này ở nước ta có phát triển nhưng sự đồng bộ hóa trong sản xuất, kinh doanh chưa cao, chưa sử dụng hết ứng dụng của mã vạch. Việc ứng dụng công nghệ MSMV mới dừng ở việc cấp mã số DN, hướng dẫn DN in số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ bán hàng, chưa triển khai ứng dụng MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển hay trong trao đổi dữ liệu điện tử và phân định các bên đối tác trong giao dịch sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, số lượng các DN ứng dụng công nghệ MSMV chiếm tỷ lệ thấp, số lượng hàng hóa trong nước sử dụng MSMV chưa nhiều. Việc triển khai ứng dụng rộng rãi MSMV trong lĩnh vực khác như: dịch vụ, văn hóa xã hội... còn chậm, chưa hiệu quả. Đáng chú ý, hoạt động MSMV chưa được quản lý thống nhất, việc làm nhái MSMV vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.
Đẩy mạnh áp dụngcông nghệ mới trong mã số, mã vạch
Đề án Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019 đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 30% các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng MSMV tại Việt Nam có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế; hoàn thiện, nâng cấp Cổng Thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống của các Bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Một trong các biện pháp góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trên chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ MSMV. Để làm được điều này, mới đây, tại Hội thảo “Áp dụng mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả”, giới chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ và mã tiêu chuẩn mới đang phổ biến trên thế giới như: công nghệ nhận dạng bằng tần số radio trong chuỗi cung ứng toàn cầu; phổ biến áp dụng mã điện tử sản phẩm phục vụ công nghệ RFID; phổ biến áp dụng các loại mã số và mã vạch mới được tiêu chuẩn hóa và chấp nhận quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DN và sản phẩm của Việt Nam; cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các DN sử dụng mã vạch bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Cùng với đó, hàng loạt biện pháp khả thi cần sớm được triển khai như: tham gia mạng Đăng ký thông tin toàn cầu của GS1 - mạng GEPIR Global; nghiên cứu triển khai thiết lập Catalog điện tử sản phẩm sử dụng mã vạch; hỗ trợ các DN Việt Nam chuẩn bị điều kiện đăng ký tham gia các mạng toàn cầu (GR, GDSN, EPC Global); thúc đẩy và giúp các Bộ, ngành trong hoạt động ứng dụng MSMV. Đặc biệt, cần khuyến khích, tăng cường ứng dụng MSMV trong các lĩnh vực như: quản lý nhân sự (quản lý công chức, thẻ chứng minh nhân dân...), truy tìm nguồn gốc thực phẩm (thuỷ sản và rau sạch), ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
HỒNG NHUNG