Dầu khí phát huy nội lực nhìn từ công nghiệp đóng giàn khoan
Đầu tư - Ngày đăng : 15:05, 18/08/2016
(BKTO) - Sau 32 tháng nỗ lực triển khai thi công, Giàn khoanTam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD vừa chính thức được Công ty cổ phần Chế tạogiàn khoan dầu khí (PV Shipyard) bàn giao cho Liên doanh dầu khí Việt-Nga(Vietsovpetro). Công trình được coi là niềm tự hào mới của ngành Dầu khí Việt Nam
Làm chủ ngành công nghiệp đóng giàn khoan
Giàn khoan Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Mỹ, kích thước 70,4x76x9,5m, khả năng chuyên chở 2.995 tấn, tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu, khí ở độ sâu 9km. Đây cũng là công trình kết cấu thép lớn nhất từ trước đến nay, nặng xấp xỉ 13.699 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, nội thất… và nặng gấp 1,5 lần Tam Đảo 03 (giàn khoan đầu tiên do PV Shipyard thực hiện và đã bàn giao cho Vietsovpetro đưa vào sử dụng hơn 4 năm qua). Toàn bộ công trình có giá trị là 230 triệu USD, thuộc dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước mang tầm cỡ quốc gia sánh ngang các công trình trong khu vực và thế giới.
Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa cho biết, việc bàn giao đúng tiến độ Giàn khoan Tam Đảo 05 sẽ giúp Vietsovpetro có thể đưa vào hoạt động từ tháng 10, trước mùa biển động năm 2016, qua đó tăng cường sự chủ động, tự chủ về phương tiện, phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở mực nước sâu.
Trên cơ sở tính toán sơ bộ đơn giá sản xuất Giàn khoan Tam Đảo 05, giá thành sản phẩm các loại giàn khoan di động do PV Shipyard chế tạo hoàn toàn có thể cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Mặc dù để chế tạo Tam Đảo 03 hay Tam Đảo 05, PV Shipyard vẫn phải mua thiết kế cơ sở của nước ngoài nhưng việc thiết kế chi tiết là hoàn toàn do các kỹ sư của đơn vị thực hiện.
Đối với Giàn khoan Tam Đảo 05, đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard phải thiết kế 805 bộ bản vẽ chi tiết (bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian…).
“Tuy giá trị chỉ chiếm 6% của dự án, nhưng thành công của dự án thiết kế chi tiết chiếm vai trò quan trọng, vì nếu có một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Kỹ sư Phan Thanh Sơn - Trưởng phòng Thiết kế PV Shipyard cho biết.
Phát huy sức mạnh nội lực
Nhìn lại thời điểm đầu năm 2009, ngành Dầu khí đã phải đương đầu với khó khăn do giá dầu suy giảm mạnh, đỉnh điểm là giá dầu đã có lúc xuống dưới 35 USD/thùng (tháng 2/2009) ảnh hưởng trực tiếp tới các nước có nguồn thu nhập từ khai thác dầu khí, trong đó có Việt Nam. Việc họp bàn các giải pháp đã được Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chốt trong Nghị quyết 233/NQ-ĐU về phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Việc xúc tiến triển khai, đóng mới giàn khoan của PV Shipyard chính là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa mục tiêu khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh, nội lực sẵn có, ưu tiên sử dụng các dịch vụ mà các đơn vị của Tập đoàn có đủ năng lực tổ chức thực hiện trên cơ sở chất lượng, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết 233/NQ-ĐU.
Ngay tại Lễ bàn giao Giàn khoan Tam Đảo 05, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã biểu dương thành tích vượt bậc, trưởng thành trong lĩnh vực cơ khí chế tạo công trình biển của PV Shipyard. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công trình qua các dự án chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam.
9 Giàn khoan Tam Đảo 05, Ảnh: TS
Lãnh đạo PVN cho rằng, Tam Đảo 03 đã ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan tự nâng 90m nước, thì Tam Đảo 05 - giàn khoan tự nâng 120m nước còn là một bước nhảy vọt về chất, là minh chứng cho thấy người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Dự án không chỉ tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ cho ngành Dầu khí mà còn giúp Việt Nam tiết kiệm đáng kể nguồn ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ nước ngoài, hơn nữa còn định hướng xuất khẩu giàn khoan ra thị trường khu vực và thế giới.
QUỲNH ANH