Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán: Tạo thêm điều kiện thuận lợi cho DN, cá nhân kinh doanh, hành nghề kế toán

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 20/08/2015

(BKTO) - Sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, nhiều góp ý của đại biểu Quốc hộivề dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán đã được Thường trựcỦy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, Dựthảo bổ sung quy định cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; rút ngắn thờihạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán xuống còn 15ngày...



Loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán là loại hình kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ cao về kế toán. Ảnh: TK
Tại phiên họp ngày 10/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết: Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ quy định tổ chức nghề nghiệp về kế toán được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi để lấy Chứng chỉ kế toán viên (so với Dự thảo trước đó) và giao thẩm quyền này cho Bộ Tài chính (Điều 72, Dự thảo Luật). Đồng thời, Dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán xuống còn 15 ngày thay vì 30 ngày như Dự thảo trước đây.

Về ý kiến cho rằng Luật DN quy định một DN có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, việc Dự thảo Luật quy định “người đại diện theo pháp luật... phải là kế toán viên hành nghề” có được hiểu là tất cả những người đại diện theo pháp luật phải là kế toán viên hành nghề hay không? Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo giải trình: Loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán là loại hình kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ cao về kế toán.

Tuy nhiên, Luật Kế toán hiện hành không yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề đã dẫn đến tình trạng người không có chuyên môn là người đại diện theo pháp luật của DN, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán. Để tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các quy định của một số ngành, nghề có tính chuyên ngành cao, Dự thảo Luật đã quy định người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải là kế toán viên hành nghề và một DN có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật song phải có ít nhất 1 người là kế toán viên hành nghề.

Với ý kiến đề nghị xem lại quy định về điều kiện được cấp Chứng chỉ kế toán viên vì DN nhỏ và vừa chỉ thuê kế toán trung cấp sẽ khiến nhiều người có trình độ trung cấp, cao đẳng kế toán không có việc làm, Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo cho biết: Đây là quy định áp dụng đối với những người muốn trở thành kế toán viên, kế toán viên hành nghề để kinh doanh dịch vụ kế toán, không áp dụng bắt buộc cho tất cả các cá nhân làm công tác kế toán. Dự thảo Luật cũng không giới hạn chỉ người có chứng chỉ kế toán viên mới được làm công tác kế toán nên sẽ không ảnh hưởng đến công việc của người làm kế toán có trình độ cao đẳng, trung cấp.

Đối với ý kiến đề nghị không nên bổ sung thêm quy định Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán vào Dự thảo Luật nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo giải trình: Theo quy định hiện hành, do chỉ dừng ở khâu đăng ký, không cấp Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nên đã phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn, khó khăn trong kiểm soát cá nhân, tổ chức khi hành nghề. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ sẽ góp phần tăng cường quản lý đối với loại hình dịch vụ này.

Bên cạnh đó còn có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Phần vốn góp của kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN. Phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của công ty”. Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định: Giao Chính phủ quy định chi tiết về phần vốn góp của kế toán viên hành nghề trong DN và phần vốn góp của các thành viên là tổ chức (tương tự như quy định của Luật Kiểm toán độc lập) để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này vì cho rằng, việc quy định khống chế tỷ lệ góp vốn tối thiểu của kế toán viên hành nghề là chưa công bằng, gây khó khăn cho những người có năng lực nhưng không có đủ vốn góp, hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Những vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thống nhất, hoàn thiện Dự thảo Luật trong thời gian tới. Theo kế hoạch, Luật này sẽ được Quốc hội khoá XIII thông qua vào cuối năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

THU HƯỜNG