Đồng sức, hiệp lực thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA
Kinh tế - Ngày đăng : 08:25, 18/08/2020
(BKTO) - Một kế hoạch toàn diện liên quan đến việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để tạo cơ sở cho việc thực thi các cam kết mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế; các DN, ngành hàng có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó thành công với các thách thức, cần thiết phải có sự chung sức, phối hợp thực hiện của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, DN…
Để tạo cơ sở cho việc thực thi các cam kết, cần có sự chung sức, phối hợp thực hiện của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, DN.Ảnh: TTXVN
Kế hoạch toàn diện thực thi EVFTA
Trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/8 đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện… Theo đó, để đảm bảo việc thực thi Hiệp định EVFTA một cách đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 5 nhóm nội dung lớn, gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại DN; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngay sau đó, ngày 06/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA. Hội nghị thể hiện rõ cam kết của Việt Nam với đối tác thương mại hàng đầu - EU, cũng như của Chính phủ đối với người dân, cộng đồng DN và nhà đầu tư trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các cam kết của Hiệp định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA là một kế hoạch toàn diện, nội dung có tính đến đa khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Mục tiêu cao nhất đề ra là tạo nền móng, cơ sở cho việc thực thi các cam kết, cũng như chuẩn bị về mặt năng lực cho cộng đồng DN, các ngành hàng, dịch vụ nhằm sẵn sàng, chủ động đón những cơ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ Hiệp định đối với nền kinh tế trong nước.
Trong Kế hoạch, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương mình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, theo hướng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, cũng như vai trò, chức năng của cơ quan, tỉnh, thành phố trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA. Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã trình bày sự chuẩn bị của mình đối với việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Xác định nhiều giải pháptận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA
Theo định hướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế; các giải pháp tận dụng hiệu quả cam kết trong Hiệp định EVFTA; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho DN; các yêu cầu về phát triển bền vững; vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.
Các đại biểu đều nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU, mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì hôm nay, chúng ta tự tin sẵn sàng thông xe giúp các phương tiện lưu thông - chính là DN và nền kinh tế - được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả.
Theo ý kiến của các đại biểu, để DN và nền kinh tế tận dụng hiệu quả cơ hội của Hiệp định EVFTA, cần thiết phải đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng DN các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, DN phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh việc hỗ trợ DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, chúng ta cũng cần chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định.
Trên bình diện chung, cả nước cần tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học, công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các DN nước ngoài kết nối với DN nội địa hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực (ngày 01/8/2020), EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Theo lộ trình, sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. |
PHÚC KHANG