Sức vươn mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam

Đầu tư - Ngày đăng : 20:10, 18/08/2020

(BKTO)- Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã thể hiện sức vươn mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đình trệ. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh - quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kéo kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh, tuy nhiên, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2, sau Trung Quốc.

Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh là 27 tỷ đô, và xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 30 tỷ đô.

Trong 10 năm qua, hàng may mặc xuất khẩu của Bangladesh và Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh tương đương.

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến họ tụt hậu so với Việt Nam. Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) - Mohammad Hatem cho biết: "Ngành may mặc của Bangladesh đã sụt giảm mạnh trong suốt tháng 3, tháng 4 và tháng 5 do hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi lệnh cấm được thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Trong khi hoạt động sản xuất của Việt Nam không bị gián đoạn quá nhiều do nước này đã kiểm soát sự lây lan của Covid-19 tốt hơn” - ông Hatem cho biết.

6 tháng qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng, xét về mức độ suy giảm chung của ngành dệt may trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi ghi nhận giảm 12-14%, trong khi Bangladesh và Ấn Độ đều giảm 23% trong 6 tháng đầu năm.

Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Bangladesh cho biết: "Có nhiều lý do khiến Việt Nam vượt Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc. Điển hình là Việt Nam đã tích cực đa dạng hoá các sản phẩm trong ngành dệt may".

Xuất khẩu của Việt Nam đứng vững giữa dịch

Theo báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố thì trong tháng 7, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% so với cùng kỳ, cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.

Điểm nhấn của Báo cáo này là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giữa ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, chủ yếu nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa chứ không phải của doanh nghiệp nước ngoài.

Số liệu từ Bộ Công Thương ghi nhận, xuất khẩu tháng 7/2020 đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%. Tính chung xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. Ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8%, dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Có thể thấy ngành nông - lâm - ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng 1,2%, đóng góp được 11,9% cho tăng trưởng kinh tế tổng thể, ngành công nghiệp tăng trưởng 3,0% (tương đương với mức đóng góp 73,1%), còn ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 0,6% (tương đương với mức đóng góp 15,0%).

"So với các mức bình quân trong thời gian qua, ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực lớn hơn (với mức đóng góp giảm 6,3% so với năm trước), còn ngành nông nghiệp lại tương đối được miễn nhiễm với mức đóng góp cho tăng trưởng GDP không thay đổi theo thời gian", Báo cáo nêu.

WB dự báo, trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

"Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng", bà Stefanie Stallmeister - Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lưu ý.

Báo cáo cũng khuyến nghị ba biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó.

Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài.

Hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.

Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

Việt Nam cũng có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đang dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tương tự, Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.
NAM SƠN (Tổng hợp)