Kết quả kiểm toán đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng

Đối nội - Ngày đăng : 16:35, 23/08/2020

(BKTO)- Thời gian qua, KTNN đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đặc biệt, dựa trên kết quả của hoạt động kiểm toán, KTNN đã nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về PCTN theo Thông tư liên tịch số 12/2011/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA ngày 15/12/2011 của Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, KTNN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đồng thời, KTNN cũng chú trọng cung cấp thông tin để Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác PCTN.


Cung cấp những chỉ dấu quan trọng cho các cơ quan kiểm tra, điều tra, giám sát

Trong số 268 Báo cáo kiểm toán đã phát hành theo Kế hoạch kiểm toán năm 2019, có 198 Báo cáo kiểm toán đã được phát hành từ ngày 01/8/2019 đến hết năm 2019. Với 198 Báo cáo này, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính đối với niên độ ngân sách năm 2018 là 43.510 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi NSNN 10.650 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 32.860 tỷ đồng - các số liệu trong bài được làm tròn). Nếu tính toàn bộ 268 Báo cáo đã phát hành thì kiến nghị xử lý tài chính là 81.095 tỷ đồng (tăng thu NSNN 8.151 tỷ đồng; giảm chi 18.883 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 54.060 tỷ đồng). Cũng trong năm 2019, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 198 văn bản, gồm 01 luật; 01 nghị quyết của Quốc hội; 13 nghị định, 34 thông tư, 149 văn bản khác không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
                
   

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng (Ảnh minh họa). Tác giả: Ngọc Bích

   

Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm phát hiện qua kiểm toán (180/268 Báo cáo kiểm toán đã phát hành có kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm).

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán năm 2019, KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (gồm chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm quy định của Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội liên quan đến việc quản lý, sử dụng 2.927m2 đất tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm và Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Thủy về việc quản lý, sử dụng khu đất 5.644m2 tại Bán đảo hồ Đống Đa, quận Đống Đa, TP.Hà Nội); 02 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật (Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn ure/năm; Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước); cung cấp 30 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt, đồng bộ, kịp thời trong triển khai nhiệm vụ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN cơ bản được triển khai theo đúng tiến độ.
Đến ngày 31/7/2020, KTNN đã triển khai 116/165 cuộc kiểm toán, kết thúc 67 cuộc kiểm toán (bằng 40,6% kế hoạch), phát hành 71 Báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính của các báo cáo kiểm toán đã phát hành đến ngày 31/7/2020 là 11.259 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu, giảm chi NSNN là 3.846 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 7.413 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thông qua hoạt động kiểm toán 7 tháng đầu năm 2020, KTNN đã cung cấp 71 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra. Cụ thể là: chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước cho Công an TP.Đà Nẵng để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, còn 02 vụ việc có dấu hiệu mua bán hóa đơn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KTNN đang củng cố bằng chứng để chuyển cơ quan điều tra.
         
Tính từ ngày 01/8/2019 đến 31/7/2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 02 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật; cung cấp 101 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Đảng, Cơ quan cảnh sát, an ninh điều tra các cấp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Cần nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Đánh giá về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018 về niên độ NSNN năm 2017 cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN. Kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến ngày 31/12/2019 đạt 65.919 tỷ đồng, bằng 71,8% tổng số kiến nghị (năm 2017 đạt 73,2%).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2019, mặc dù KTNN đã có nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán nhưng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính còn hạn chế, thấp hơn tỷ lệ thực hiện năm 2017. Một số kiến nghị xử lý về tài chính chưa thực hiện do các nguyên nhân chính như: Đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính hoặc đang rà soát nguồn tài chính để bố trí nguồn nộp NSNN; dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt quyết toán; kiến nghị kiểm toán liên quan nhiều đối tượng, đơn vị nên chậm trễ trong quá trình thực hiện; một số đơn vị liên quan đang thực hiện các thủ tục xác minh hoặc còn vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện…
Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2018 về niên độ NSNN năm 2017

Bên cạnh đó, mới chỉ có 26/160 văn bản đã được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; có 36/54 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN Năm 2019 đã bổ sung quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật KTNN, đảm bảo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện quyền hạn trên, KTNN kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 các quy định có liên quan như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN, thẩm quyền xử phạt của KTNN, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Về thẩm quyền quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính… trong lĩnh vực KTNN, Điều 4 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động KTNN không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ. Do đó, KTNN kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tháo gỡ vướng mắc này khi sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
H.THOAN