Thay đổi tư duy về kiểm toán nội bộ để thích ứng với yêu cầu phát triển mới

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 25/08/2020

(BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) là cánh tay đắc lực của nhà quản trị cấp cao trong tổ chức. Để KTNB mang lại giá trị gia tăng nhiều nhất cho tổ chức thông qua những tư vấn kịp thời, khả năng dự báo và hỗ trợ quản lý rủi ro, nhà quản trị cấp cao và Ủy ban Kiểm toán cần có tầm nhìn chiến lược về hoạt động này. Đặc biệt, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, KTNB cũng cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới.



Ảnh minh họa​

Đổi mới tư duy trên cơ sở xác định tầm nhìn cốt lõi

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức đã triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức nhưng đi kèm với đó là không ít rủi ro trong hoạt động. Điều này đặt ra những thách thức, yêu cầu mới đối với hoạt động KTNB.

Trước những thay đổi về quy trình kinh doanh cùng với rủi ro phát sinh trong điều kiện mới, KTNB cần thực hiện song song chức năng đảm bảo và tư vấn. Chức năng đảm bảo được thực hiện dựa trên đánh giá rủi ro, cung cấp cho các bên liên quan kết quả phù hợp, kịp thời về hiệu quả quản lý và kiểm soát rủi ro. Chức năng tư vấn giúp các tổ chức đưa ra quyết định tốt hơn không chỉ bằng cách giải quyết và quản lý rủi ro hiện tại mà còn đánh giá mức độ ảnh hưởng của những rủi ro tới các chiến lược chuyển đổi số và tăng trưởng kỹ thuật số dài hạn.

Để thực hiện 2 chức năng này, Ủy ban Kiểm toán và Hội đồng Quản trị cần có tư duy chiến lược về văn hóa đổi mới, cả phương pháp, công cụ tiếp cận và kỹ thuật kiểm toán; đặc biệt cần xác định tầm nhìn cốt lõi của KTNB để định hướng cách thức và tư duy đổi mới phù hợp.

Mô hình quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức, DN được thiết kế bởi 3 vòng kiểm soát theo thứ tự như sau: tiếp nhận và xử lý trực tiếp giao dịch, quản lý rủi ro, KTNB. Bộ phận KTNB không trực tiếp tham gia vào công tác quản lý rủi ro ở vòng thứ 2 mà đảm nhận vai trò tìm kiếm sự thống nhất giữa 3 tuyến phòng thủ trên cơ sở phân tích, đánh giá về hiệu quả của quản lý rủi ro, từ đó dự báo về những rủi ro mới, đưa ra cách thức để quản lý rủi ro hiệu quả hơn và tư vấn kịp thời cho nhà quản trị. Trong điều kiện công nghệ phát triển và ứng dụng rộng rãi vào hoạt động kinh doanh, KTNB cần tận dụng các mô hình tài nguyên linh hoạt để có quyền truy cập vào những thông tin về rủi ro, truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình. Khi tầm quan trọng của công nghệ trong việc thực hiện KTNB tăng lên, thách thức không phải là làm thế nào để áp dụng sự nhạy bén kỹ thuật vào các phương pháp cũ mà là thay đổi tư duy về cách thức và phương pháp kiểm toán trong điều kiện mới để đạt được kết quả mong muốn.

Để thay đổi căn bản và toàn diện hoạt động KTNB, kiểm toán viên sẽ cần một lộ trình rõ ràng, bước đi đầu tiên sẽ là thiết lập tư duy và cam kết bao gồm: chuyển đổi nhóm KTNB và đẩy mạnh công nghệ để giải quyết các rủi ro kinh doanh mới nổi; tăng hiệu lực và hiệu quả của KTNB để bảo vệ giá trị tổ chức; thay đổi suy nghĩ; đánh giá lại khả năng của KTNB, phấn đấu trở thành một thế hệ KTNB tiếp theo nhanh nhẹn, nắm bắt công nghệ.

Hình thành tư duy chủ động, nhanh nhạy và tăng cường khả năng dự báo

Để đổi mới tư duy và thích ứng với giai đoạn chuyển đổi công nghệ số, KTNB phải xác định các khu vực cần thay đổi, xem xét những nguồn lực cần đẩy mạnh cải tiến; chủ động thay đổi cách tiếp cận lặp đi lặp lại và linh hoạt hơn để thực hiện các thay đổi liên tục khi hoạt động kinh doanh phát triển và các cách tiếp cận sáng tạo mới xuất hiện.

Đồng thời, KTNB cần thay đổi tư duy về các giá trị đóng góp cho DN thông qua việc tập trung nhiều hơn vào các rủi ro chiến lược; đổi mới phương pháp kiểm toán truyền thống; gia tăng giá trị cho tổ chức thông qua hoạt động tư vấn; tạo điều kiện giao tiếp hiệu quả, chất lượng cao; nâng cao nhận thức và tư duy thay đổi chức năng, hoạt động của KTNB.

Trong thời đại biến động không ngừng như hiện nay, khả năng thích ứng sẽ là một trong những yếu tố thành công quan trọng của KTNB. Để đạt được hiệu quả cao nhất, KTNB cần hình thành tư duy phản ứng nhanh để thích nghi với điều kiện thực tế biến động liên tục. Đồng thời, KTNB phải tăng cường khả năng dự báo, đây chính là sự thay đổi căn bản của KTNB để tạo ra giá trị gia tăng cho tổ chức.

Bên cạnh đó, KTNB cần nhận biết rủi ro trong việc thực hiện các thay đổi. Theo đó, các kiểm toán viên nội bộ cần xác định được 2 vấn đề khi thực hiện đổi mới: Đầu tiên, bất kỳ thay đổi nào trong một giai đoạn của vòng đời kiểm toán đều có khả năng ảnh hưởng đến các giai đoạn khác. Thứ hai, những thay đổi trong suốt vòng đời kiểm toán có thể đòi hỏi những thay đổi liên quan đến các quy trình. Vì vậy, KTNB cần liên tục đánh giá mức độ công việc của mình ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý vận hành cũng như quản lý rủi ro và tuân thủ của DN.

Một yếu tố quan trọng giúp cho KTNB hoạt động hiệu quả là Ủy ban Kiểm toán cần có chiến lược dài hạn, bố trí nhân sự phù hợp để tập trung vào việc cải cách lâu dài và bền vững cho tổ chức chứ không chỉ đơn thuần là các giải pháp vụ việc, từ đó tạo nên thay đổi toàn diện và mang lại lợi ích lớn hơn. Hội đồng Quản trị cần trao quyền cho bộ phận KTNB trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện cho những ý tưởng sáng tạo để cải tiến và đổi mới.

Khi các tổ chức ngày càng nhanh chóng thích nghi với quá trình chuyển đổi số, hoạt động KTNB cũng phải không ngừng đổi mới để có thể cung cấp thông tin, đưa ra các dự báo và tư vấn kịp thời, giúp tổ chức, DN nâng cao quản trị rủi ro trong hoạt động.

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Khoa Kế toán, Kiểm toán, Học viện Ngân hàng