Chia sẻ kinh nghiệm và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường
Đối nội - Ngày đăng : 13:44, 25/08/2020
(BKTO)- Sáng 25/8, KTNN tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và TS.Lê Đình Thăng - Kiểm toán Trưởng KTNN chuyên ngành III đồng chủ trì Tọa đàm.
Ban chủ trì Tọa đàm |
Tham dự Tọa đàm có hơn 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo, kiểm toán viên đến từ các đơn vị tham mưu, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, bảo vệ môi trường hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề cấp bách của toàn cầu, là yếu tố sống còn của nhân loại.
Sau 30 năm kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển được tổ chức tại Brazil, thực tiễn chủ yếu vẫn là phát triển “kinh tế nâu”, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản nên gây ra tác hại suy thoái tài nguyên, mất cân bằng sinh thái. Hệ quả là trên phạm vi toàn cầu liên tiếp xảy ra những cuộc khủng hoảng mới, trong đó biến đổi khí hậu được cho là thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ này.
Sau nhiều năm nỗ lực, đến năm 2015, Hội nghị các bên tham gia Công ước về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 21 mới có thỏa thuận lịch sử toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Đã có 193 quốc gia ký cam kết thực hiện Công ước và đến nay đã thông qua được Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì Sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với 17 mục tiêu phát triển bền vững được đặt ra.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Đối với Việt Nam, trong những năm qua, vấn đề môi trường đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện ở rất nhiều văn bản như cương lĩnh chính trị, Nghị quyết đại hội đảng các cấp…, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong Top đầu khu vực châu Á, môi trường tại Việt Nam không thể tránh khỏi những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số với lượng chất thải vượt quá khả năng xử lý của cơ sở hạ tầng cũng như sức chịu tải của môi trường. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học.
Quang cảnh Tọa đàm |
Tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, cường độ cao đã đem lại những tác động tiêu cực kép về phát triển môi trường và tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo, trong 15 năm tới, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng gấp đôi nhưng nếu chúng ta không quan tâm đến môi trường một cách đúng đắn thì bình quân 1% tăng trưởng GDP sẽ mất đi 3% GDP thiệt hại do ô nhiễm môi trường. |
Dẫn chứng một loạt các sự cố môi trường vừa qua như Dự án thép Fomosa, Dự án phân bón DAP Lào Cai… đã mang lại những tổn hại hết sức to lớn, cho thấy những vấn đề nghiêm trọng, bức xúc và những lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, đây là bài toán hết sức nan giải trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Liên quan đến công tác kiểm toán môi trường, Phó Tổng Kiểm toán cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm toán môi trường do cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện từ lâu đã trở thành một công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trên khía cạnh từ công tác quản lý môi trường, việc xây dựng, triển khai các dự án, công trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường…
Những năm qua, KTNN Việt Nam cũng rất quan tâm thực hiện kiểm toán môi trường. Đặc biệt, năm 2018, KTNN tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội - một trong những tuyên bố đầu tiên, bài bản nhất trong các đại hội của ASOSAI về vấn đề kiểm toán môi trường.
Tuy nhiên theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán môi trường là vấn đề mới và rất khó, nên KTNN Việt Nam đang từng bước triển khai các cuộc kiểm toán lĩnh vực này. Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường; phân tích, làm rõ thực trạng, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm toán môi trường, cùng chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán về lĩnh vực này, đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán về môi trường; giúp cho đơn vị trực thuộc KTNN có cách nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về lĩnh vực kiểm toán môi trường còn mới mẻ, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian tới.
Đại biểu tham luận tại Tọa đàm |
Với tinh thần khoa học cởi mở, tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường và đề xuất đối với Việt Nam; nhận định những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian qua; trao đổi, chia sẻ, phát hiện kiểm toán nổi bật, kinh nghiệm để đưa ra những kiến nghị kiểm toán có giá trị nhất.
Tại Tọa đàm, các đơn vị tham mưu cũng trao đổi, chia sẻ về những vấn đề còn chưa thống nhất trong cách tham mưu xử lý của các đơn vị kiểm toán khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán; đề xuất các giải pháp, mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán đối với kiểm toán môi trường một cách phù hợp nhất, nhằm tháo gỡ những bất cập, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Tọa đàm tới bạn đọc.
Tin và ảnh: HỒNG HÒA