Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ cuối - Giám sát, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính đúng đắn của chính sách tự chủ đại học

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 25/08/2020

(BKTO) - Tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là GDĐH) là xu thế tất yếu để nâng cao tính chủ động của các trường ĐH khi thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược, cũng như tăng cường hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn lực công, nâng cao trách nhiệm giải trình. Ở nước ta, việc áp dụng chính sách tự chủ đối với các trường ĐH đã đạt được một số thành công nhất định. Thông qua kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2018 tại các trường ĐH công lập, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả bước đầu, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập về cơ chế, những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở GDĐH trong quá trình thực hiện tự chủ, từ đó có kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách này. TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - đã có những chia sẻ, đánh giá dưới góc nhìn khoa học và thực tiễn về vấn đề này.



TS. Lê Đình Thăng

♦ Là đơn vị được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao chủ trì cuộc kiểm toán, ông có thể cho biết những kết quả bước đầu nổi bật trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các trường ĐH công lập hiện nay?

- Cũng như trên thế giới, lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam nói chung và GDĐH nói riêng có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, quyết định sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước, là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của GDĐH, Nhà nước ta đã chú trọng đến đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, từng bước giảm dần sự bao cấp, nâng cao quyền tự chủ của các trường... Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền tự chủ, các trường ĐH đã và đang nỗ lực đổi mới, hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao quyền tự chủ.

Kết quả nổi bật này được thể hiện rõ trên nhiều phương diện, như: Công tác quản lý tài chính từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực kiện toàn quy chế chi tiêu nội bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý; chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; nâng cao thu nhập cho người lao động gắn với trách nhiệm của người lao động. Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Cũng nhờ được tự chủ về tài chính, việc tăng số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học từ việc thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài của các trường cũng thuận lợi hơn.

Thành công bước đầu trong việc thực hiện chính sách tự chủ tại các trường ĐH đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tự chủ mà Đảng và Nhà nước đề ra, phù hợp với xu thế phát triển cũng như điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Kết quả này cũng chính là tiền đề để Đảng và Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế để chính sách tự chủ thực sự đi vào đời sống xã hội như một lẽ tất yếu.

♦ Bên cạnh kết quả đạt được như trên, KTNN đã phát hiện những bất cập nổi cộm nào khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường ĐH công lập, thưa ông?

- Có thể nói, những bất cập trong việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường ĐH đang đặt ra thách thức cho việc thực hiện cơ chế này trong tương lai. Trong đó, dưới áp lực tăng nguồn thu do NSNN được cấp giảm dần, dẫn đến một số trường ĐH có tình trạng lạm thu, thu các khoản ngoài quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục. Hoặc ngược lại, áp lực tăng thu dẫn đến phải hạ thấp điểm tuyển sinh để thu hút nhiều người học làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của trường ĐH. Áp lực thu cũng dẫn đến việc cạnh tranh số lượng người học giữa các trường ĐH và hệ lụy là các trường nhỏ lẻ, các trường dân lập hay các trường ĐH tại các địa phương rơi vào yếu thế, không có học sinh hoặc chất lượng đầu vào rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nhiều trường thực hiện tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình, đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở GDĐH phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng từ các nguồn thu hợp pháp để ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ sinh viên có thành tích xuất sắc, còn phải có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học. Trong khi đó, kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều trường chưa có chính sách này làm ảnh hưởng đến quyền được học tập của người học.

Đáng chú ý, qua tự chủ đã xuất hiện tình trạng các trường phát triển theo hướng đào tạo đa ngành, mở ngành mới theo xu thế việc làm của xã hội, tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa chú trọng khảo sát tính cấp thiết của việc mở ngành dẫn đến số lượng tuyển sinh của một số ngành mở mới đạt kết quả thấp. Tại một số đơn vị, nhiều chương trình chất lượng cao chưa có nhiều khác biệt so với chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với mức thu.

Một số trường, ngành đào tạo có nhu cầu cao trong xã hội thì dễ thu hút sinh viên, cũng như tăng thu nhập cho giảng viên, tuy nhiên, có một số trường, ngành đào tạo mà nhu cầu xã hội không cao thì rất khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản, trong khi đây là lĩnh vực vẫn rất cần cho quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi khi thực hiện mở rộng quyền tự chủ, một số chuyên ngành cần đào tạo, cần duy trì nhưng lại thiếu cơ chế để phát triển, chính sách tự chủ hiện chưa giải quyết được vấn đề này. Chưa kể, vì tự chủ nên nhiều trường tại các vùng, miền không đủ sức cạnh tranh với các trường lớn và không thể thu hút người học.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý các đơn vị trực thuộc trường ĐH cũng còn nhiều bất cập khi trong một trường tồn tại nhiều mô hình như: khoa, viện, trung tâm… Hạn chế này đang gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như giám sát của xã hội đối với hoạt động của trường.

Về tự chủ trong quản lý và sử dụng tài sản, để thu hút thêm nguồn lực đầu tư, các trường có xu hướng thực hiện liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các hướng dẫn cụ thể dễ dẫn đến tình trạng các trường sử dụng đất, tài sản đầu tư ngoài ngành không phù hợp với mục tiêu phát triển GDĐH khi tham gia liên doanh, liên kết, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công.

♦ Theo ông, trước thực trạng này, các cơ quan quản lý cần có giải pháp gì để thúc đẩy quá trình tự chủ được mạnh mẽ, hiệu quả hơn và thực sự đi vào cuộc sống theo chủ trương đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra?

- Đúc rút từ thực tiễn kiểm toán, tôi cho rằng có 6 nhóm giải pháp cần đẩy mạnh.

Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ tại các trường ĐH để hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện như: chính sách về lao động, tiền lương, chính sách học bổng; chính sách đầu tư công, chính sách về xã hội hoá, thành lập DN trực thuộc… Hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật về tự chủ theo quy định tại Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 và Điều lệ tổ chức các trường ĐH.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thống nhất nhận thức trong các cấp quản lý và người lao động trong các trường ĐH công lập về những nội dung tự chủ tại các trường ĐH, những đổi mới của chính sách tự chủ; đồng thời sớm cụ thể hóa các quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đối với lĩnh vực giáo dục. Trong tương lai, nên nghiên cứu ban hành luật về đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường ĐH, tránh việc một đơn vị sự nghiệp công bị quá nhiều luật chi phối và khó khăn trong thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ giáo dục ĐH; tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo. Cần nghiên cứu thay việc hỗ trợ NSNN theo mức độ tự chủ của các trường ĐH sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công… từ đó thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính và cơ hội liên doanh, liên kết đầu tư cho các trường ĐH. Đi liền với đó là nâng cao trách nhiệm giải trình gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GDĐH về tính công khai, minh bạch trong các khoản thu chi tại đơn vị.

Thứ năm, rà soát, phân nhóm các trường ĐH theo vùng miền, chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chính sách hỗ trợ từ NSNN; xác định lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ phù hợp định hướng và quy hoạch phát triển vùng, có chính sách về cân bằng nghề nghiệp xã hội… nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các trường ĐH ở địa phương, các trường đào tạo ngành đặc thù, ngành khoa học cơ bản, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Thứ sáu, cần có hướng dẫn cụ thể về mô hình tổ chức các đơn vị trực thuộc trường ĐH; quy định về trách nhiệm người đứng đầu; quy định về cơ chế tài chính (cơ chế liên kết; nguồn vốn chủ sở hữu) nhằm xây dựng môi trường pháp lý đầy đủ và phù hợp cho các trường trong việc quản lý, điều hành các đơn vị trực thuộc.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
         
Qua tổng hợp số liệu chi sự nghiệp đào tạo cho thấy, các khoản chi cho con người chiếm tới 55 - 65% tổng chi của cơ sở GDĐH, trong khi tỷ lệ các khoản chi nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất… là những nội dung rất quan trọng tạo nên tiềm lực phát triển và vị thế của các trường lại chưa được quan tâm đúng mức.
NGUYỄN LỘC - HỒNG THOAN (thực hiện)