Bán lẻ Việt Nam chuyển dịch theo xu hướng tiêu dùng mới

Đầu tư - Ngày đăng : 14:30, 25/08/2020

(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã khiến mức độ quan tâm về sức khỏe tăng cao và làm thay đổi xu hướng tiêu dùng hằng ngày của người dân. Theo đó, tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử là hai xu hướng phổ biến nhất, tác động đáng kể đến thị trường bán lẻ trong nước. Đây chính là thời điểm để các DN bán lẻ kiểm định lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó cân nhắc, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp.



Tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử là hai xu hướng phổ biến nhất, tác động đáng kể đến thị trường bán lẻ trong nước.Ảnh: P.Tuân

Covid-19 tác động mạnh đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng

Khảo sát “Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh” của Deloitte cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh đến thị trường bán lẻ trong nước. Nếu như trước đây, doanh số bán hàng tại cửa hàng chiếm đến 97% tổng doanh số bán lẻ và bán hàng không qua cửa hàng (bao gồm cả thương mại điện tử) chỉ đóng góp khoảng 3% thì hiện nay, hơn 50% người tiêu dùng Việt Nam đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ, trong khi 25% trong số đó đã chuyển sang mua sắm trực tuyến. Số liệu của CBRE Việt Nam cũng phản ánh, lượng khách đến tại các trung tâm mua sắm giảm khoảng 80% ở cả TP. HCM và Hà Nội trong thời gian dịch.

Cũng theo khảo sát của Deloitte, 62% người Việt Nam ăn ở nhà thường xuyên hơn trước, đây là tín hiệu cho thấy xu hướng tiêu dùng trong nhà một cách an toàn đang dần trở thành lựa chọn số 1 của người dân. Hay như với các sản phẩm sức khỏe, dinh dưỡng, nước rửa tay, xà phòng, mức tiêu thụ đã tăng gấp đôi, thậm chí tăng trưởng ở mức ba chữ số do 87% người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, các loại sản phẩm vệ sinh cá nhân như: nước súc miệng cũng tăng 78%, sữa tắm tăng 45% và sữa rửa mặt tăng 35% bởi người tiêu dùng Việt Nam tăng thêm biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân… Những con số trên không chỉ có ý nghĩa đối với việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của DN mà còn là cơ sở để các nhà bán lẻ đổi mới cơ cấu sản phẩm lưu trữ trên kệ và phương thức bán hàng.

Một phát hiện khác mà Deloitte chỉ ra là sự bùng phát Covid-19 đã khiến số lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam biết đến thương mại điện tử mà trước đó, họ không quan tâm đến mua sắm tạp hóa trực tuyến và thanh toán điện tử. Cụ thể như: tại Saigon Co.op, lượt khách gọi điện đến đặt hàng tại siêu thị tăng đột biến 4 - 5 lần, trong khi đó, lượt ghé thăm trang thương mại điện tử của Công ty này cũng tăng 10 lần kể từ tháng 01/2020. Trên Shopee, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, thời gian người tiêu dùng Việt Nam dành cho mua sắm tăng hơn 25% khi họ tìm mua hàng tạp hóa và các sản phẩm hằng ngày. Còn với Grab, trong tuần thứ hai GrabMart ra mắt người tiêu dùng, các đơn đặt hàng đã tăng 91%. Khảo sát khác của Nielsen cũng cho thấy, các nhà bán lẻ trực tuyến như: Tiki, SpeedLotte… cũng ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng 2 - 4 lần.

Chia sẻ về xu hướng của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch, ông Vũ Ðức Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam phụ trách ngành hàng tiêu dùng - cho biết, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người dân ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng: từ thuận tiện sang an toàn, từ cân nhắc về giá cả sang tình trạng có sẵn của hàng hóa, từ mong muốn sang nhu cầu thiết yếu. “Với các ưu tiên thay đổi, khách hàng tìm mua các sản phẩm ở tất cả các kênh bán hàng. Vì vậy, các DN bán lẻ có thể tận dụng đại dịch này như một cơ hội, biến nguy thành cơ, nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh” - ông Nguyên nhận định.

Bán hàng đa kênh - xu hướng hiệu quả và tất yếu của doanh nghiệp bán lẻ

Theo các chuyên gia của Deloitte, khi hành vi mua sắm của người dùng dịch chuyển theo hướng tối thiểu hóa việc mua sắm tại các điểm bán hàng truyền thống, tăng tần suất giao dịch trực tuyến cũng chính là thời điểm các DN bán lẻ kiểm định lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó cân nhắc, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp. Theo đó, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, các nhà bán lẻ cần phải đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số phù hợp.

Ngoài ra, các DN sẽ phải vượt qua một số thách thức về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa cần tiếp tục thận trọng với việc mở rộng các kênh phân phối thương mại điện tử. Đồng thời, các nhà bán lẻ cũng cần giải quyết những vấn đề trong dài hạn như đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt của dịch vụ thông qua việc cho phép người tiêu dùng theo dõi việc giao hàng hoặc chọn thời gian giao hàng…

Thực tế cho thấy, để bắt kịp với xu thế, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ cả nhu cầu mua sắm online và offline. Người tiêu dùng vẫn có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng vật lý nhưng lại thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ ưu đãi. Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của đơn vị bán lẻ nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng.

Tại hệ thống siêu thị Vinmart, “đội quân đi chợ hộ” có thể kết nối với người tiêu dùng thông qua 3 kênh mua hàng linh hoạt: điện thoại thông minh, qua app và website. Hay như Thế giới di động cũng nhanh chóng giới thiệu sản phẩm “đi chợ thay cho khách hàng”, bao gồm cả thực phẩm tươi sống. Trong khi đó, nhằm thúc đẩy doanh thu, FPT Retail đề ra chiến lược bán hàng đa kênh trên nền tảng điện tử bao gồm: hợp tác với các thương hiệu điện thoại mạnh về phân phối qua kênh điện tử; hợp tác với các nhà bán lẻ khác để cung cấp danh mục sản phẩm mới; mua sắm xuyên biên giới thông qua hợp tác với Fado... Ðây là những động thái rất nhanh nhằm thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thay vì bán hàng trên một kênh truyền thống như trước đây, các DN sử dụng nhiều kênh khác nhau để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Trong đó, bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng hiệu quả và tất yếu đối với các DN tham gia thị trường bán lẻ.

THÙY LÊ