Dự án đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng: Đạt mục tiêu và tiết kiệm chi phí đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:05, 27/08/2015

(BKTO) - Dự án đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi -Đà Nẵng (Dự án) được triển khai thực hiện từ quý IV/2002, đóng điện toàn tuyếnvào tháng 8/2004 (riêng Tạm biến áp 500kV Dốc Sỏi khởi công tháng 2/2006, hoànthành tháng 6/2012). Theo kết quả kiểm toán năm 2013 của KTNN, Dự án sau khihoàn thành, đưa vào sử dụng, vận hành đã đạt được các mục tiêu đề ra trong quyếtđịnh phê duyệt Dự án; quá trình triển khai thực hiện Dự án cũng đã đảm bảo sựphù hợp về quy hoạch ngành, vùng; tiết kiệm chi phí đầu tư.



Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là truyền tải điện năng từ các nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên vào hệ thống điện quốc gia.Ảnh: T.S
Tăng cường độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia

Dự án đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là trên 1,9 nghìn tỷ đồng. Đường dây này cùng với các đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Thường Tín có nhiệm vụ truyền tải điện trong hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn cung cấp điện, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; tạo tiền đề liên kết hệ thống điện giữa các nước trong khu vực.

Theo kết quả kiểm toán, dự án được phê duyệt đã đảm bảo phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển ngành, vùng (Dự án nằm trong Tng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010, triển vọng đến năm 2020). Công tác lựa chọn, xây dựng Dự án đã được xem xét tính toán toàn diện trên hệ thống truyền tải điện Bắc Nam về lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng… Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng cho thấy, thiết kế Dự án, giải pháp công nghệ được lựa chọn đều hướng đến tiêu chí hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, môi sinh và các công trình khác trong khu vực dọc theo tuyến đường dây. Trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư đã thực hiện việc lập hồ sơ, khảo sát, thiết kế chống ảnh hưởng của đường dây sang các đường tín hiệu khác như viễn thông, quân đội, công an... thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng di dân khỏi những phạm vi ảnh hưởng của Dự án.

Tại thời điểm kiểm toán (tháng 8/2013), toàn bộ Dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, vận hành. Đánh giá về hiệu quả của Dự án, KTNN cho rằng Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là truyền tải điện năng từ các nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên vào hệ thống điện quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực Duyên hải miền Trung cũng như cả nước; đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các khu vực trong hệ thống điện toàn quốc, tăng cường độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia kể cả khi xảy ra sự cố, góp phần tối ưu hóa chế độ vận hành hệ thống điện (giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện).

Lựa chọn vị trí phù hợp giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư

Theo đánh giá của KTNN, trong quá trình triển khai thực hiện và quản lý Dự án, Chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung và các đơn vị có liên quan có nhiều cố gắng nên bước đầu Dự án đã đem lại những kết quả nhất định về mặt kinh tế. Điều này được thể hiện ở chỗ, chủ đầu tư đã lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện nên công tác lựa chọn, xác định vị trí, hướng tuyến đường dây dài 295 km, khảo sát dọc tuyến và khảo sát địa chất tại các vị trí xây dựng cột đảm bảo phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất tự nhiên và tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Cũng theo kết quả kiểm toán, việc chủ đầu tư lựa chọn đặt vị trí trạm 500kV tại Dốc Sỏi đã giảm được tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án; không phải xử lý giải pháp tuyến đường dây đi ngang qua phễu bay của sân bay Chu Lai, phù hợp với quy hoạch của khu công nghiệp Dung Quất nói riêng và cả khu kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tiến độ thi công xây dựng tuyến đường dây trong thời gian khoảng 21 tháng (một số gói thầu hoàn thành sớm hơn 30 ngày so với tiến độ quy định của hợp đồng) với điều kiện thi công qua nhiều loại địa hình khó khăn, phức tạp, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cũng là một trong những kết quả được KTNN ghi nhận.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cũng cho thấy những tồn tại, thiếu sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư Dự án. Cụ thể, do một số sai sót trong khâu thiết kế, lập dự toán và thi công chậm tiến độ của các gói thầu xây lắp trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi đã làm phát sinh chi phí đầu tư số tiền hơn 700 triệu đồng. Cùng với đó, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán của chủ đầu tư còn chưa phù hợp với quy định do nghiệm thu sai khối lượng, sai đơn giá, sai do chưa đủ điều kiện quyết toán… Do đó, KTNN đã đề nghị điều chỉnh quyết toán giảm hơn 8,7 tỷ đồng. Tổng số tiền KTNN kiến nghị xử lý tài chính dựa trên phát hiện qua kiểm toán Dự án là trên 12,5 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư và Ban quản lý dự án chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, đầu tư Dự án.


NGUYỄN HỒNG