Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ODA trong năm nay
Đối nội - Ngày đăng : 18:10, 26/08/2020
(BKTO) - Với nỗ lực của các bộ, ngành, tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2019 tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân ODA vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước, hiện là 40% kế hoạch.
Cầu Hòa Bình 3 được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2020. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Phát biểu tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ 8 tháng năm 2020, diễn ra ngày 26/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các bộ, ngành đã có tiến bộ, ước thực hiện hết tháng 8/2020 là 3.742 tỷ đồng đạt 21,64% dự toán được giao.
Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay nếu các bộ, ngành không có các giải pháp quyết liệt thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiều nguyên nhân
Với nỗ lực của các bộ, ngành, tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2019 tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân ODA vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước (hiện là 40% kế hoạch).
Với tiến độ giải ngân như hiện nay, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài chính cho biết đã có 9 bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA; trong đó có 8 bộ đã có văn bản chính thức với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao.
Ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả hơn 1.800 tỷ đồng, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận một số đề xuất hủy, cắt giảm vốn như Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển 330,5 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đề nghị giảm 50 tỷ đồng vốn nước ngoài đã giao cho Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc để bổ sung cho các dự án khác cần vốn.
Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thì có nhiều lý do để các bộ, ngành xin trả lại nguồn vốn ODA như dự án triển khai chậm do vướng mắc chủ dự án tương đối cao. Do đó, quan điểm của Bộ Tài chính là các bộ, ngành cần nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm dự án như dự án Đại học Dược Hà Nội.
Trong số các bộ, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân đạt khá nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao. Bộ này có số vốn rất lớn cần giải ngân trong năm nay lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, so với kế hoạch thì tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như mục tiêu kỳ vọng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến các chuyên gia nước ngoài tới hỗ trợ kỹ thuật thiết kế… dẫn đến ảnh hưởng đấu thầu, giao thầu dự án chậm; một số dự án hoàn thành cần thời gian hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán; hay thủ tục điều chỉnh chủ trương một số dự án kéo dài đã trình từ cuối 2019 nhưng đến tháng 8/2020 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, ngay từ đầu năm Bộ này đã đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trong ngành có cam kết giải ngân tiến độ theo từng tháng, quý. Nhưng trong qúa trình thực hiện có một số vướng mắc xảy ra như dịch COVID-19 khiến các thủ tục kỹ thuật triển khai đấu thầu chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp chủ yếu là nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương nên chậm hơn so với tiến độ dự án, như cuối tháng 6 các địa phương mới bố trí được 69% vốn đối ứng địa phương.
Ông Hoàng Hải cũng cho biết, giải ngân vốn ODA chậm là do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn so với dự án trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yêu cầu nước ngoài từ máy tính nhập khẩu, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giảm giá...
Bên cạnh đó, vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án do việc thực hiện dự án của các bộ, ngành, Ban quản lý dự án chậm nên có dự án xin điều chỉnh thời gian giải ngân; một số dự án khác các bộ, ngành muốn sử dụng vốn dư. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 9 hiệp định vay của các Bộ phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ.
Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chính chủ đầu tư kéo dài đến công việc một số dự án được bổ sung vốn nhưng không thể rút vốn do không hoàn thành việc tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, bên cạnh việc thực hiện giải ngân sách theo kế hoạch vốn 2020, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn trị giá 2.420 tỷ đồng
Theo ông Hoàng Hải việc chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài cũng là một nguyên nhân khiến cho giải ngân ODA chậm.
“Qua đợt làm việc, kiểm soát trực tiếp với dự án chủ vào tháng 7, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những tài khoản đã rút về đặc biệt tài khoản nhưng chưa được sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỷ đồng,” ông Hoàng Hải nói.
Cần cam kết tiến độ giải ngân
Chia sẻ kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đại diện đến từ Bộ Quốc phòng cho biết Bộ này thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, có cử 3-4 cán bộ giám sát ở dự án, để đảm bảo giải ngân được, nhưng phải đảm bảo chất lượng của dự án.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài trong năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan bộ, ngành cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA và vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Trong trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được.
Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
Với trường hợp phải cắt giảm, điều chuyển vốn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành phải có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8/2020.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, hiện nay các bộ, ngành chưa chỉ ra được dự án nào có khả năng tăng, qua rà soát nếu có thể, thì đề xuất trong phạm vi phân bổ của bộ, ngành, nếu điều chỉnh cho từng dự án của bộ, ngành mình thì không cần phải báo cáo. Nếu điều chỉnh liên quan đến tổng mức đầu tư thì mới phải báo cáo Thủ tướng.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà mong muốn có sự cộng tác giữa các bộ, ngành, để xử lý khó khăn vướng mắc một cách triệt để nhất. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của hiệp định vay, điều chính thời gian giải ngân tại hiệp định vay (nếu có) và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân.
Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của cả nước./.
Theovietnamplus.vn