Để công tác kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đạt kết quả tốt
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 31/08/2020
(BKTO) - Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; nhiều đơn vị tranh thủ khai thác ngay sau khi được cấp phép mà không hoàn thiện thủ tục theo quy định làm ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát tài nguyên, gây thất thu NSNN… Thực trạng này đã được KTNN khu vực VIII chỉ ra qua công tác kiểm toán.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh tư liệu
Nhiều kẽ hở trong quản lý, sử dụng tài nguyênkhoáng sản
Giai đoạn 2017-2019, qua công tác kiểm toán tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, KTNN khu vực VIII đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS), cụ thể như:
Việc quy hoạch khu vực hoạt động khoáng sản và các quy hoạch khác của địa phương có sự chồng lấn dẫn đến những vướng mắc, vi phạm trong hoạt động khoáng sản: quy hoạch khu du lịch chồng lấn lên diện tích đã được cấp phép khai thác khoáng sản; cấp phép khai thác khoáng sản chồng lấn lên dự án thuộc khu vực lâm nghiệp, rừng phòng hộ đầu nguồn; quy hoạch khu nông nghiệp cao chồng lấn lên khu vực đã cấp phép khai thác mỏ sét...
Nhiều địa phương chưa lập quy hoạch khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khoáng sản mới phát hiện để đưa vào quản lý, cấp phép theo thẩm quyền. Cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền. Việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công chưa được Sở Tài nguyên các tỉnh quan tâm dẫn đến còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong xác định trữ lượng khoáng sản.
Tại các tỉnh, việc cho phép khai thác tạm thời với thời hạn ngắn dẫn đến các sai phạm dây chuyền như: không tiến hành thăm dò phê duyệt trữ lượng; không lập được dự án khai thác (chỉ lập đề án khai thác), thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ; vi phạm pháp luật khoáng sản và có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường trong khai thác. Do nhu cầu thị trường xây dựng lớn, việc nạo vét, khai thác cát lòng sông trái phép diễn ra phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng các tuyến đường dọc bờ sông.
Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản không có giấy phép còn diễn ra phổ biến dưới các hình thức: đang thăm dò hoặc thăm dò xong nhưng chưa được cấp phép, DN đã thực hiện khai thác; không được cấp giấy phép nhưng DN vẫn tiến hành khai thác. Việc kiểm tra, rà soát giấy phép và tình hình khai thác của DN chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh quan tâm đúng mức, dẫn đến thất thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh hoặc DN có thể gian lận, không kê khai khối lượng các sản phẩm phụ đi kèm trong quá trình khai thác sản phẩm chính để trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Tình trạng DN khai thác vượt so với công suất theo giấy phép diễn ra phổ biến. Thậm chí, có trường hợp thành lập hai DN liên kết để mua bán qua lại nhằm gian lận kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Một số đơn vị không đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến khoáng sản, hoặc có đầu tư nhưng cho đơn vị khác thuê lại nhằm mục đích bán khoáng sản thô, gian lận trong việc kê khai thuế, phí.
Qua kiểm toán, KTNN khu vực VIII cũng phát hiện nhiều vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính: nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài; khai sai giá tính thuế tài nguyên; vi phạm về định mức vật tư, tỷ trọng, tỷ lệ bóc đất đá, tỷ lệ hao hụt; chưa làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ký quỹ phục hồi môi trường... gây thất thu ngân sách.
Xác định đúng nội dung, phạm vi, đối tượngkiểm toán, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan
Để công tác kiểm toán lĩnh vực TNKS đạt hiệu quả cao, trước hết, Quyết định kiểm toán cần phải đảm bảo rõ ràng, chi tiết nội dung, phạm vi kiểm toán, các thành viên trong đoàn phải có trình độ chuyên môn tương ứng với lĩnh vực kiểm toán. Đối với kiểm toán hoạt động, phải căn cứ vào mục tiêu cụ thể để đối chiếu so sánh, đánh giá hiệu quả quản lý, tránh tình trạng kiểm toán không đúng nội dung, kết luận về việc quản lý chỉ mang tính chung chung.
Cùng với đó, đối tượng kiểm toán được chọn phải là các “điểm nóng” về khai thác, chế biến khoáng sản, chuyển giao quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định của pháp luật. Đoàn kiểm toán cần làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin, cơ sở dữ liệu của DN trước khi ra quyết định kiểm toán; phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, thuế, cảnh sát môi trường… để nắm được thông tin đa chiều, vừa tiết kiệm thời gian vừa phát hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả kiểm toán.
Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, các đoàn kiểm toán có thể lồng ghép nội dung kiểm toán công tác quản lý nhà nước về khoáng sản với nội dung kiểm toán báo cáo tài chính tại các đơn vị thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương nhằm phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quản lý, cấp phép, khai thác TNKS tại các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản.
Kiểm toán hoạt động khoáng sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy, đội ngũ kiểm toán viên cần thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên môn không chỉ về kế toán, kiểm toán, thuế mà cả về thiết kế, địa chất… Đoàn kiểm toán cũng phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để trao đổi thông tin, nâng cao trình độ.
Mặt khác, KTNN và cơ quan thanh tra, kiểm tra có chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng chung một điểm là kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Do đó, KTNN cần có quy chế phối hợp các cơ quan thanh tra để không trùng lặp về nội dung và giảm bớt sức ép cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước.
(Lược ghi tham luận của ThS. NGUYỄN NHẬT LINH - KTNN khu vực VIII - tại Tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản)