Cần xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể về chuỗi giá trị khai khoáng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:35, 31/08/2020
(BKTO) - Với nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) phong phú, đa dạng, Việt Nam đã khai thác để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng của nước ta vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi phải có sự kiểm tra, kiểm toán để đánh giá độc lập và toàn diện các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Do đó, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để triển khai hiệu quả hoạt động kiểm toán lĩnh vực khai khoáng đang là yêu cầu đặt ra đối với KTNN.
Hội nghị lần thứ 4 của INTOSAI WGEI tại Philippines năm 2019
7 công đoạn trong chuỗi giá trịcủa ngành công nghiệpkhai khoáng
Thực tế, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới đã triển khai tương đối đồng bộ, toàn diện và hiệu quả phương pháp kiểm toán theo chuỗi giá trị đối với hoạt động khai khoáng. Chuỗi giá trị được hiểu là một loạt các quá trình hoặc hoạt động liên tiếp nhằm tạo ra và sử dụng các giá trị, sản phẩm của giai đoạn trước. Việc xác định chuỗi giá trị là hết sức cần thiết trong tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm xác định đầu vào, đầu ra cho từng khâu của quá trình sản xuất; chỉ ra các yếu tố cần thiết phải đảm bảo nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo chu trình ổn định, hiệu quả; kiểm soát toàn diện quá trình tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động của quá trình này.
Theo hướng dẫn phân loại của Ngân hàng Thế giới và kinh nghiệm kiểm toán của các SAI, Nhóm công tác về Kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEI) đã phân loại chuỗi giá trị ngành công nghiệp khai khoáng thành 7 công đoạn:
Xây dựng hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật có liên quan luôn giữ vai trò góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng. Các quy định về hoạt động khai thác dầu khí hoặc khoáng sản nếu không phù hợp có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động khai khoáng và hệ thống kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Thăm dò, khảo sát, lập và quản lý dữ liệu, bản đồ khai khoáng: Thông thường, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương khai thác TNKS, sau đó, Chính phủ tiến hành các bước thăm dò, thu thập dữ liệu và xây dựng các bản đồ TNKS sơ bộ, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cho từng vùng, miền, lãnh thổ và quốc gia. Các sai phạm trong thăm dò, tìm kiếm khoáng sản có thể dẫn đến lãng phí rất lớn trong khai thác.
Cấp phép khai thác là công đoạn nhằm sàng lọc các đơn vị, DN có đủ năng lực để tham gia khai thác khoáng sản. Yêu cầu quan trọng nhất của công đoạn này là cạnh tranh bình đẳng thông qua đấu thầu công khai.
Tổ chức khai thác và quản lý khai thác nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định luật pháp có liên quan về bảo hộ lao động, y tế, bảo vệ môi trường…
Tổ chức thu từ khai thác khoáng sản: Xây dựng hệ thống thuế và chính sách tài chính hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển, đồng thời đảm bảo lợi ích của các bên tham gia.
Quản lý và phân phối thu nhập từ khai thác khoáng sản: Các khoản thu từ hoạt động khai khoáng luôn có giá trị lớn đối với ngân sách mỗi quốc gia và thường được quản lý theo quy trình riêng nhằm đảm bảo lợi ích của người dân vùng mỏ cũng như phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Đóng mỏ, hoàn nguyên và bảo vệ môi trường: Ngành công nghiệp khai khoáng có nhiều tác động đến kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia, đặc biệt là tác động về môi trường. Vì vậy, các quốc gia có ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn cần xây dựng chính sách đầu tư thích hợp và dài hạn cho hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường, hỗ trợ dạy nghề, bảo vệ và phát triển văn hóa các vùng khai thác mỏ.
Như vậy, kiểm toán với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác minh đã và đang trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động khai khoáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các SAI chỉ mới tiếp cận, thực hiện kiểm toán tại một hoặc một số công đoạn trong cả chuỗi giá trị của hoạt động khai khoáng mà chưa xây dựng và phát triển chiến lược kiểm toán tổng thể về chuỗi giá trị khai khoáng nhằm đánh giá toàn diện, chính xác về thực trạng hoạt động này.
Sớm nghiên cứu, áp dụng phương pháp kiểm toán khai khoáng theo chuỗi giá trị
Từ kinh nghiệm của các SAI trên thế giới, KTNN Việt Nam có thể rút ra một số bài học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán khai khoáng như sau:
Sớm nghiên cứu, triển khai áp dụng các kinh nghiệm, quy trình kiểm toán quốc tế vào kiểm toán lĩnh vực khai khoáng tại Việt Nam. Trước mắt, nghiên cứu các tài liệu, thông tin liên quan đến chuỗi giá trị để đề xuất tổ chức kiểm toán trong thời gian tới.
Xây dựng lộ trình phát triển kiểm toán hoạt động nói chung và kiểm toán khai khoáng nói riêng ở Việt Nam để có phương án tiếp cận toàn bộ các hoạt động của quy trình, công đoạn và lĩnh vực khai thác mỏ; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đặc biệt các cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của hoạt động này.
Thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao của các quốc gia trong khu vực hoặc có sự tương đồng về điều kiện địa lý. Để thực hiện điều này, KTNN Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm về tổ chức cuộc kiểm toán theo chuỗi giá trị của các SAI: Brazil, Ấn Độ, Na Uy.
Tăng cường kiểm toán lĩnh vực khai khoáng để nâng cao năng lực, khẳng định vai trò, vị trí của KTNN trong việc minh bạch hóa hoạt động quản lý, sử dụng TNKS quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn với các tác động lâu dài của hoạt động này đến môi trường, đời sống văn hóa và xã hội của người dân vùng mỏ.
Tiếp tục tham gia các chương trình và kế hoạch hoạt động của INTOSAI WGEI; tranh thủ sự hỗ trợ về công tác đào tạo của các SAI có ngành công nghiệp khai khoáng phát triển; chủ động chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với các SAI trong khu vực và trên thế giới…
PHAN TRƯỜNG GIANG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII