Chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:40, 31/08/2020

(BKTO) - Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 8/2020 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán thực hiện nghiêm quy trình kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời phải chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán (BCKT) và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.



Chất lượng BCKT là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán. Ảnh tư liệu

Không ngừng nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán

Theo ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng BCKT, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo sửa đổi Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán (MBHSKT), làm cơ sở cho việc đổi mới công tác lập BCKT, nâng cao chất lượng của BCKT.

Sau thời gian nghiên cứu, tích cực xây dựng và lấy ý kiến trong và ngoài Ngành, đến nay, KTNN đã chính thức ban hành Hệ thống MBHSKT. Việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT được thực hiện ở tất cả các MBHSKT để đảm bảo tính đồng bộ khi áp dụng, trong đó có mẫu BCKT. Cụ thể, BCKT có bố cục thống nhất thành 3 phần; các nội dung đánh giá, kết luận được khái quát ngắn gọn, theo đúng Chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát chất lượng cũng được rà soát và đổi mới để đảm bảo chất lượng của BCKT. Việc kiểm soát được thực hiện thường xuyên, liên tục, cả bên trong lẫn bên ngoài đơn vị kiểm toán; đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán, trong đó có kiểm soát việc lập BCKT còn được thực hiện thông qua các cuộc kiểm soát đột xuất, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiểm toán viên và đơn vị kiểm toán trong công tác này. Ngoài ra, Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán phân định rõ các cấp độ kiểm soát chất lượng để kiểm soát toàn diện, thường xuyên, chi tiết từ khảo sát thu thập thông tin lập Kế hoạch kiểm toán đến lập và gửi BCKT để đảm bảo chất lượng kiểm toán và chất lượng BCKT.

Đánh giá về chất lượng BCKT sau khi Hệ thống MBHSKT mới được ban hành, ông Kiểm cho biết, tại một số đơn vị kiểm toán đã phát hành BCKT, về cơ bản các đơn vị đã chấp hành tốt các quy định đề ra, tuân thủ theo hệ thống mẫu biểu mới, đặc biệt là mẫu biểu BCKT, từ đó góp phần nâng cao chất lượng BCKT.

Khẳng định những nỗ lực của KTNN trong việc không ngừng nâng cao chất lượng BCKT, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa chia sẻ, trong những năm gần đây, công tác lập BCKT đã được các đơn vị kiểm toán chú trọng hơn. Cụ thể, việc phân giao nhiệm vụ lập BCKT được các đoàn kiểm toán thực hiện ngay khi lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán; sau khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị, các đoàn kiểm toán đã tổ chức lập BCKT đảm bảo đúng tiến độ.

Tuy vậy, tình trạng chậm trễ trong lập và phát hành BCKT thời gian qua vẫn còn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện Vụ Tổng hợp là do một số đơn vị được kiểm toán không cung cấp đầy đủ hoặc cố tình cung cấp không kịp thời các thông tin, số liệu, sổ sách kế toán phục vụ công tác kiểm toán. Thêm vào đó, một số vấn đề bất cập được phát hiện trong quá trình kiểm toán của tổ, đoàn kiểm toán không được đơn vị được kiểm toán giải trình kịp thời, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như thời gian phát hành BCKT.

Giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ lập báo cáo kiểm toán

Xác định BCKT đóng vai trò ngày càng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt là trong bối cảnh lãnh đạo Ngành yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần đảm bảo vững chắc bằng chứng kiểm toán để hạn chế rủi ro, các đơn vị kiểm toán đang ngày càng chú trọng đổi mới công tác lập BCKT.

Từ kinh nghiệm trong quá trình kiểm toán, đại diện KTNN khu vực IV chia sẻ, tại đơn vị, việc đổi mới kết cấu BCKT được thực hiện theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào bản chất vấn đề; việc thẩm định, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với dự thảo BCKT được các bộ phận thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ từng vấn đề đảm bảo tính pháp lý, bằng chứng kiểm toán và sự phù hợp giữa kết quả kiểm toán và kiến nghị kiểm toán. Đơn vị đã gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán với chất lượng kiểm toán, tiến độ lập, phát hành BCKT. Do vậy, nhiều ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị tại các BCKT được đại biểu Quốc hội, địa phương quan tâm, sử dụng; ngày càng nhiều cơ quan, chính quyền địa phương chủ động đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán đã cho thấy chất lượng kiểm toán nói chung, chất lượng BCKT nói riêng đã được nâng lên.

Để đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán trong BCKT có đầy đủ bằng chứng, khả thi, nâng cao chất lượng của BCKT, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề nghị cần tiếp tục duy trì cơ chế giám sát thường xuyên với các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán; thực hiện các giải pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên theo từng cấp độ; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát đảm bảo 100% các đoàn phải được giám sát thông qua theo dõi nhật ký và các tài liệu bằng chứng đính kèm.

Từ thực tế kiểm toán, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, để đổi mới, nâng cao chất lượng lập BCKT, trước hết cần chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, như công tác khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin từ nhiều nguồn về đối tượng được kiểm toán; chú trọng trong việc xác định trọng yếu rủi ro và chọn mẫu kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên cần thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán trước khi đưa ra kết luận kiểm toán; thực hiện kiểm toán theo đúng kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt cũng như bám sát mục tiêu kiểm toán đã đề ra và tuân thủ nghiêm các quy trình, chuẩn mực kiểm toán do KTNN ban hành. Các trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; đẩy mạnh phong trào thi đua về chất lượng BCKT; kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với kiểm toán viên có những phát hiện lớn. Đặc biệt, cần bố trí nhân lực có năng lực để tăng cường công tác tham mưu kiểm soát chất lượng kiểm toán; thẩm định dự thảo BCKT, hồ sơ kiểm toán.
NGUYỄN LỘC