Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 31/08/2020

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Người có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.



Những giá trị của Tuyên ngôn Độc lập là động lực để chúng ta quyết tâm đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới. Ảnh: V.Hoàng

Người có vai trò to lớn đối vớiđất nước, dân tộc

Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã xác lập và nâng cao vị trí của Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới. Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Sự kiện lịch sử vẻ vang này chứng minh trí tuệ xuất chúng, nghệ thuật phân tích thông tin và nắm bắt thời cơ, phương pháp xử lý tình huống chính xác, áp dụng sách lược phù hợp với thực lực cách mạng của lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc - Hồ Chí Minh.

Khẳng định những quyết định đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà Nguyễn Vân Anh (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định mang tính lịch sử. Đó là sang phương Tây, đến với nhân loại cần lao đang tranh đấu vì hòa bình ở nhiều châu lục và các quốc gia trên thế giới, bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu lý luận kết hợp khảo sát thực tiễn, đặc biệt là ở những nước tư bản phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ... Bước ngoặt này mở đầu cho việc lựa chọn con đường đúng đắn để đạt được mục tiêu mà Người dành cả cuộc đời theo đuổi “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Quyết định lựa chọn và đi theo con đường cách mạng vô sản, theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mặt nhận thức tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời mang tính bước ngoặt căn bản để đi đến thắng lợi đối với cách mạng Việt Nam.

Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử nghìn năm của dân tộc ta. Với thắng lợi này, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm. Ngày 02/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

75 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, song âm hưởng hào hùng, trường tồn cùng lịch sử của Tuyên ngôn vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị dân tộc và thời đại. Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - PGS,TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là nguồn năng lượng vô tận, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh với bao thách thức, khó khăn, nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chính nghĩa và văn minh Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập chính là những giá trị nền tảng cho Việt Nam hội nhập quốc tế thành công. “Mang chính nghĩa và văn minh Việt Nam của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vào tương lai, bằng hoạt động thực tiễn chính là tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, là đưa tư tưởng của Người đến đích hoàn thiện của độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam. Đó cũng là nâng tầm đóng góp của Việt Nam cho chính nghĩa, văn minh và sự tiến bộ của loài người” - PGS,TS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Nói về giá trị trường tồn và ý nghĩa thời đại của quyền con người gắn với quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, TS. Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo T.Ư) khẳng định, 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau 35 năm đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó là tư tưởng, là tâm nguyện và kết quả của hành trình tìm đường cứu nước, thực tế đấu tranh cách mạng và tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là hiện thân sinh động sự gặp gỡ lịch sử giữa dân tộc Việt Nam giàu truyền thống và văn hiến, luôn khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị với một thời đại hòa bình, hợp tác, thân thiện và phát triển, luôn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định, những giá trị lý luận và thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, lối sống; những giá trị hội tụ, được kết tinh của văn hóa Á - Âu - Mỹ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là động lực để chúng ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới.

LÊ HÒA