5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW: Chuyển biến rõ nét trong phong trào thi đua yêu nước của Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 03/09/2020
(BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng (Chỉ thị 34), công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của KTNN đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về nội dung, hình thức, chất lượng và hiệu quả.
Công tác TĐKT của KTNN đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về nội dung, hình thức, chất lượng và hiệu quả. Ảnh tư liệu
Bổ sung, hoàn thiện các quy định về thi đua, khen thưởng
Ngay sau khi Chỉ thị 34 được ban hành, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN đã tập trung quán triệt và chỉ đạo toàn Ngành cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị, đưa vào triển khai thực hiện trong các phong trào thi đua do Nhà nước và KTNN phát động. KTNN cũng xác định, đổi mới công tác TĐKT là phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, có những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp, thiết thực gắn với lợi ích tập thể và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tăng cường giáo dục để xây dựng cho mọi tập thể và cá nhân có động cơ, thái độ hành động đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của công tác TĐKT và phong trào thi đua yêu nước…
Với phương châm đó, tinh thần Chỉ thị 34 được thể hiện xuyên suốt trong mọi chỉ đạo về công tác TĐKT của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN, như: kịp thời nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi theo các quy định mới của Nhà nước, ban hành các văn bản thống nhất chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác TĐKT trong toàn Ngành.
Cụ thể, KTNN đã sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí, thang điểm, quy trình, thủ tục, hồ sơ bình xét thi đua trong Quy chế TĐKT làm cho quy trình bình xét thi đua ngày càng cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch; hồ sơ khen thưởng được cải cách gọn nhẹ, phù hợp với quy định mới của Nhà nước và điều kiện thực tế của KTNN. Cùng với đó, Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN”, Quy chế hoạt động của Hội đồng TĐKT cũng được sửa đổi, bổ sung; kết hợp với quy định, quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên… KTNN cũng đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước phát động để thống nhất nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức thực hiện trong toàn Ngành theo yêu cầu đổi mới công tác TĐKT của Bộ Chính trị.
Thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, chất lượng được nâng cao
Hằng năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phát động phong trào thi đua và ký giao ước thi đua ngay từ đầu năm với nhiều chủ đề phong phú, thiết thực. Với chủ đề xuyên suốt của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị”, các phong trào thi đua đã gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn, đi vào thực chất, không phô trương hình thức, gắn với đặc thù của Ngành. Điển hình như phong trào thi đua 365 ngày lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập KTNN, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2014 và Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017; phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các ngày lễ lớn trong năm 2015; phong trào thi đua yêu nước phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; phong trào thi đua “KTNN chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, thực hiện lồng ghép với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua phấn đấu đạt “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”…
Do có sự đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện nên chất lượng công tác TĐKT của KTNN được nâng cao, tạo được không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp giữa các đơn vị, tập thể, cá nhân trong toàn Ngành. Qua sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, KTNN đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc.
Công tác khen thưởng của KTNN cũng đã có những chuyển biến rõ rệt. Ngoài việc khen thưởng công nhận và vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên hằng năm, KTNN rất chú trọng đến công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc đột xuất. Trong 5 năm (2014-2018), tỷ lệ Bằng khen khen thưởng đột xuất cho tập thể nhỏ (phòng, đoàn, tổ) chiếm 51,1%; tỷ lệ Giấy khen khen thưởng đột xuất cho tập thể nhỏ chiếm 67,4%; 100% Bằng khen và Giấy khen khen thưởng đột xuất cho các cá nhân là khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lập thành tích xuất sắc trên tất cả các mặt công tác. Đồng thời, tỷ lệ tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lập thành tích xuất sắc được khen thưởng cấp Nhà nước cũng gia tăng hằng năm. Qua đó, không chỉ kịp thời động viên, khuyến kích tất cả các cá nhân, tập thể mà còn là cách làm hay để KTNN bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Các tập thể, cá nhân được công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng đều đã, đang và sẽ là các gương điển hình tiên tiến làm nòng cốt, làm hạt nhân cho các phong trào thi đua trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, công tác TĐKT của KTNN giai đoạn vừa qua đã đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác TĐKT theo Chỉ thị 34. Các phong trào thi đua của KTNN đã khơi dậy tình yêu nghề, yêu Ngành, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp, ý chí vươn lên trong từng cá nhân, tập thể để cống hiến cho sự nghiệp của Ngành. Đây chính là động lực, là đòn bẩy để KTNN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua.
Qua 5 năm (2014-2018), thông qua các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hằng năm, KTNN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: hoàn thành 1.189 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 265.565 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 63.568 tỷ đồng, giảm chi NSNN 71.365 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính đạt tỷ lệ 71%. |
N.HỒNG