Thị trường bất động sản: Cơ hội bứt phá sau thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 04/09/2020

(BKTO) - Trên cơ sở các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số của thị trường, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia dự báo, mặc dù còn một số khó khăn nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển. Đặc biệt, việc Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ góp phần mở ra cơ hội bứt phá cho thị trường này.



Thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển.Ảnh: P.Tuân

“Cửa sáng” trong thách thức

Báo cáo “Ngành bất động sản dân cư: Vượt qua thử thách” do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI công bố mới đây đưa ra nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cơ cấu ngành của nhóm BĐS dân cư. Theo đó, các chung cư cao cấp có giá bán trung bình trên 60 triệu đồng/m2 ghi nhận lượng giao dịch giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2020 (giảm 30% so với cùng kỳ). Các căn hộ có giá thuê cao (trên 1.000 USD/căn/tháng) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 (giá chào thuê trung bình giảm khoảng 20 - 25%; lợi suất cho thuê căn hộ trung bình giảm khoảng 30 - 50 điểm so với trước Covid-19).

Cũng theo SSI, trong quý II/2020, tổng cung tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP. HCM vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Hà Nội có 5.569 căn (giảm 39%) song kết quả này đã tốt hơn nhiều so với thị trường trong qúy I (tăng 240%). Trong khi đó, tại TP. HCM, tổng nguồn cung mới trong quý II/2020 chỉ đạt 1.644 căn, con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá bán tăng cao làm giảm tỷ lệ hấp thụ của thị trường xuống rõ rệt. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trong nước cho thấy, bất chấp thách thức từ Covid-19, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn. Đà tăng trưởng của thị trường có thể được ảnh hưởng tích cực bởi việc gia tăng tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng cùng với môi trường lãi suất huy động thấp. Trong đó, BĐS thấp tầng có pháp lý, quyền sử dụng đất minh bạch cũng trở nên hấp dẫn hơn với người mua nhà.

Tại Hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020-2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính, BĐS cũng nhận định, BĐS chỉ tạm thời trầm lắng và sẽ bứt phá mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS đang bị tác động xấu từ những yếu tố khách quan như dịch bệnh, nguồn cung chững lại do vướng mắc về thủ tục. Những yếu tố này khiến giao dịch trên thị trường giảm mạnh nhưng BĐS không có khủng hoảng. “BĐS sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các ngành nghề khác khi dịch bệnh kết thúc. Điều này đã được minh chứng sau khi đợt dịch thứ nhất kết thúc, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch. Đến nay, chỉ khoảng 10.000 giao dịch thành công, bằng khoảng 10% năm ngoái song lượng giao dịch này chủ yếu tập trung trong khoảng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7. Vì vậy vẫn còn “cửa sáng” cho thị trường BĐS” - ông Đính nhận định
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cũng cho rằng, BĐS là 1 trong 8 lĩnh vực bị tác động rất mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng cơ hội đối với thị trường BĐS là rất lớn. Có thể thấy nhiều điểm sáng trên thị trường như: BĐS công nghiệp với công suất khai thác các khu công nghiệp rất lớn, cung cầu chưa cân đối, BĐS nhà ở và logistics còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công và BĐS sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.

Tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản

Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cũng nhận định, mặc dù còn có một số khó khăn nhưng thị trường BĐS vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển. Điều này thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại BĐS nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn.

Đáng chú ý, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS. Trong đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách như: sửa Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư. Bộ cũng đang nghiên cứu, hoàn thiện Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP. HCM và các vùng kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng…

Cùng với đó, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước. Điển hình như: Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 có một số quy định mới để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước; Luật Đầu tư (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, BĐS. Những chính sách này sẽ tác động mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS.

Đ.KHOA