Australia đối diện khủng hoảng ngành tái chế rác thải
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:05, 04/09/2020
(BKTO) - Cuộc kiểm toán mới đây của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Australia (NAO) cho thấy, các logo phân loại tái chế rác thải khác nhau và việc ghi nhãn không chính xác đang làm người tiêu dùng bối rối, khiến các sáng kiến về phân loại rác thải trở nên không hiệu quả.
Khủng hoảng ngành tái chế rác thải Australia.Ảnh: ST
Gia tăng ô nhiễm
Theo NAO, việc ghi nhãn phân loại sai dẫn đến việc người tiêu dùng vứt bỏ rác thải không đúng cách, từ đó dẫn đến tỷ lệ tái chế không cao như mong muốn và ô nhiễm gia tăng. Báo cáo kiểm toán nhận định, hiện nay, khoảng 15% các sản phẩm tiêu dùng của người dân Australia là có biểu tượng Tidyman - một biểu tượng xuất hiện trên cả các sản phẩm có thể tái chế và không thể tái chế. Điều này khiến người tiêu dùng bối rối khi vứt bỏ.
NAO cũng nhận thấy nhiều sản phẩm không có ghi nhãn phân loại trên bao bì hoặc ghi sai, hay nhiều sản phẩm ghi nhãn “bao bì có thể tái chế” trong khi chỉ có một thành phần của bao bì là thực sự có thể tái chế.
Báo cáo nhận định, tình hình hiện nay khiến Chính phủ Australia khó có thể đạt được các mục tiêu quốc gia, trong đó bao gồm mục tiêu tái chế 70% bao bì nhựa vào năm 2025. Theo NAO, tỷ lệ hiện tại mà Australia đạt được mới dừng lại ở 12%.
Các kiểm toán viên Chính phủ cho rằng, Hội đồng Tái chế rác thải Australia cần phải có những quy định về một cách tiếp cận ghi nhãn thống nhất và thông tin nhãn tái chế phải được gắn trên mọi sản phẩm và loại bao bì được bán ra thị trường một cách rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu đối với người tiêu dùng. NAO nhận định: “Nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng tái chế sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng nhiều nguyên liệu tái chế. Một hệ thống ghi nhãn rõ ràng góp phần giúp người tiêu dùng xác định đâu là mặt hàng có thể tái chế”.
Trong bản Báo cáo, NAO khuyến nghị Chính phủ nước này cần phải nỗ lực để cải thiện hơn nữa việc áp dụng nhãn phân loại rác cho nhiều sản phẩm và nhiều công ty hơn, bao gồm cả các DN nhỏ và vừa, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về cách tái chế chính xác các sản phẩm hằng ngày mà họ mua.
NAO cho rằng, nếu Chính phủ không có chính sách cụ thể, tỷ lệ tái chế sẽ giảm xuống, lượng lớn chất thải được đổ ra các bãi rác sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Khủng hoảng ngành tái chế rác thải
Việc Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu rác từ các quốc gia trên toàn thế giới đã khiến nhiều nước phải đau đầu. Điều này cũng tác động lớn đến các ngành công nghiệp rác thải Australia, đòi hỏi Chính phủ nước này phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Mới đây, Chính phủ Australia đã công bố ra mắt Quỹ Hiện đại hóa rác thải tái chế, trị giá 190 triệu AUD (khoảng 129 triệu USD), nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu rác thải gây nhiều tranh cãi. Theo Bộ Môi trường Australia, Quỹ Hiện đại hóa rác thải tái chế là trọng tâm trong kế hoạch đại tu ngành công nghiệp tái chế của Chính phủ nước này, sau khi lệnh cấm xuất khẩu các loại chất thải đã qua sử dụng, như: nhựa, giấy, thủy tinh và lốp xe, chính thức có hiệu lực trong hai năm tới.
Quỹ Hiện đại hóa rác thải tái chế dự kiến sẽ tạo đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, lên tới 600 triệu AUD, tạo ra 10.000 việc làm và chuyển đổi 10 triệu tấn chất thải loại bỏ thành các sản phẩm được sử dụng trong sản xuất.
Được biết, Australia sẽ cấm xuất khẩu các loại rác thủy tinh, nhựa, giấy và lốp xe lần lượt theo lộ trình, bắt đầu từ giữa năm 2020 sau khi các quan chức môi trường nước này nhất trí một kế hoạch để thay đổi cách Australia xử lý với vật liệu tái chế. Theo kế hoạch này, rác thủy tinh sẽ bị cấm xuất khẩu từ tháng 7/2020, lệnh cấm xuất khẩu các loại nhựa và lốp xe sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2021. Theo lộ trình, việc xuất khẩu tất cả các loại rác thải này phải bị cấm trước tháng 6/2022.
NGỌC QUỲNH