Họp báo thường kỳ Chính phủ: Tập trung hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất
Đối nội - Ngày đăng : 16:55, 05/09/2020
(BKTO) - Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vừa diễn ra chiều 04/9.
Toàn cảnh Họp báo - Ảnh: VGP |
Nền kinh tế có nhiều điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay cơ bản các điểm dịch đã được kiểm soát. Đây là điều kiện rất quan trọng cho phục hồi kinh tế những tháng cuối năm cũng như lấy lại đà tăng trưởng của năm 2020.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp và sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương của khu vực và toàn cầu. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.
Trong tháng 8, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất ổn định và có giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các DN chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.
Thu NSNN 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng ngoài dự toán NSNN năm 2020 để hỗ trợ chính sách.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch, cao nhất giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt; 7 đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ, Hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công đã được tổ chức. Thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng song đã thu hút 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Nổi bật, nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế trong nước nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.
Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức;đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện làm lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa phương. Trường hợp xuất hiện ca bệnh, phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp.
Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay; việc đảm bảo an toàn khi mở lại đường bay thương mại quốc tế vào ngày 15/9; vụ án nâng khống giá trị liên kết ở Bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân...
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho DN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong điều kiện dịch COVID-19, các DN khó khăn trong việc trả nợ, NHNN chủ động ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch.Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, với các khoản cho vay mới cũng như dư nợ cho vay cũ. Thống đốc NHNN đã kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức… để có nguồn lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN. Gần đây, lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 7/2020 so với cuối 2019 đã giảm 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay./.
HỒNG NHUNG