Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra báo cáo công tác và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:15, 08/09/2020
(BKTO) - Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra Báo cáo công tác năm 2020 và Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 của KTNN. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng chủ trì phiên họp- Ảnh: Phương Vân |
Cơ bản hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2020
Trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của KTNN tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội cũng như công tác kiểm toán, với sự quyết tâm cao, KTNN đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2020.
Công tác xây dựng KHKT năm 2020 được đổi mới đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và thích ứng với những thay đổi của xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán so với năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Phương Vân |
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, với những chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, việc thực hiện KHKT năm 2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán và phối hợp công tác cũng được thực hiện kịp thời, bảo đảm chất lượng.
Đến 20/8/2020, toàn Ngành đã triển khai 117/164 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 76/117 cuộc kiểm toán (đạt 65% số cuộc đã triển khai), phát hành 84 báo cáo kiểm toán. Dự kiến đến 30/11/2020, toàn Ngành sẽ hoàn thành tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước 31/01/2021. Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 20/8/2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 21 nghìn tỷ đồng, cung cấp 93 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát. |
Thẩm tra Báo cáo công tác của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đánh giá, trong năm 2020, KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán và trong nội bộ KTNN đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, qua hoạt động kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, bất cập của các Bộ, ngành, địa phương.
Đồng tình với ý kiến đánh giá của cơ quan thẩm tra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, làm rõ thêm một số nội dung nhằm hoàn thiện các báo cáo, trong đó lưu ý KTNN cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành KHKT năm 2020; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán; đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán…
Tập trung đánh giá công tác quản lý, sử dụng ngân sách giai đoạn 2015-2020
Về dự kiến KHKT năm 2021 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nêu rõ: Định hướng kiểm toán năm 2021 của KTNN là ưu tiên lựa chọn kiểm toán tại các đơn vị quản lý tài chính tổng hợp ở trung ương và địa phương để đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư trong cả giai đoạn 2015-2020. Tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán NSNN hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
KTNN cũng lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; đồng thời, chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.
Với định hướng trên, KTNN cũng xác định rõ mục tiêu và các nội dung kiểm toán chủ yếu, đồng thời xác định rõ một số giải pháp chủ yếu nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi KHKT năm 2021, tập trung vào một số giải pháp như: bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 một cách khoa học, hiệu quả; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; phối hợp với Thanh tra Chính phủ để rà soát nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…
Cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán mà KTNN dự kiến, Ủy ban TC-NS cho rằng, dự kiến KHKT năm 2021 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung; xác định rõ mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu đối với từng lĩnh vực.
Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại phiên họp- Ảnh: Phương Vân |
Cơ quan thẩm tra đánh giá cao việc xây dựng KHKT năm 2021 đã hướng tới tăng cường kiểm toán hoạt động, dự kiến thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề trên diện rộng để đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện chính sách tài chính để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Tại phiên họp, bên cạnh các nội dung kiểm toán theo dự kiến của KTNN, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu KTNN cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách thông qua hoạt động kiểm toán; chú trọng kiểm toán các vấn đề nóng được dư luận quan tâm như tình trạng nợ đọng thuế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai; việc sử dụng ngân sách trong các chương trình mục tiêu quốc gia; việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh đó nhiều ý kiến đề nghị KTNN và cơ quan thanh tra cần có giải pháp để khắc phục hiệu quả tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu làm rõ một số nội dung tại phiên họp - Ảnh: Phương Vân |
Phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, về tiến độ thực hiện KHKT năm 2020, trong tháng 9, KTNN sẽ triển khai hết các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và sẽ hoàn thành việc kiểm toán vào ngày 30/11/2020; phát hành toàn bộ báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2020. Đối với một số cuộc kiểm toán được giao đột xuất trong năm, KTNN cũng phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 và phát hành báo cáo trong năm 2021.
Về giải quyết trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ. Thực hiện quy định của Luật KTNN, sau cuộc họp này KTNN sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ và thanh tra ngành để thống nhất, chủ động phối hợp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 song với sự chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với bối cảnh, những kết quả đạt được của KTNN đều rất ấn tượng. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng đề nghị KTNN tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội./.
N. HỒNG