Thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: KTNN kiến nghị khắc phục nhiều sai phạm, bất cập
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:20, 02/04/2015
(BKTO) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách mang ý nghĩa an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) trong thời điểm mất việc làm. Tuy nhiên, những “kẽ hở” về cơ chế, chính sách cũng như những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã dẫn đến tình trạng lạm dụng, thất thoát Quỹ BHTN. Qua thực tế kiểm toán, KTNN đã đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục những sơ hở trong chính sách này.
KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho ngành BHXH thực hiện toàn bộ việc giải quyết chế độ BHTN cho người lao động Ảnh: T.S
Phát hiện nhiều sai phạm
Tại Hội nghị báo cáo giám sát về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2014, KTNN đã tiến hành kiểm toán 33 đầu mối tại 32 địa phương về tình hình thực hiện chính sách BHTN. Qua đó KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm trong thực hiện chính sách này. Cụ thể như, nhiều đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng chuyển sang hưởng BHTN một lần với lý do tìm được việc làm mới nhưng tháng tiếp theo không kê khai và đóng các chế độ bảo hiểm theo quy định. Cùng với đó, do việc ban hành quyết định dừng hưởng trợ cấp BHTN của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thường chậm nên một số trường hợp đã chi trả BHTN cho NLĐ, song việc thu hồi số tiền đã chi trả này hiện rất khó khăn. Thậm chí, một số trường hợp còn giả mạo hợp đồng có việc làm mới để chuyển sang hưởng BHTN một lần nhưng Trung tâm Giới thiệu việc làm không phát hiện được, vẫn giải quyết cho hưởng.
Đặc biệt, một thực trạng đáng lo ngại là tại nhiều Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc các Sở LĐ-TB&XH giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ không đúng quy định. Qua kiểm toán tại 32 Trung tâm Giới thiệu việc làm, KTNN đã xử lý thu hồi, giảm chi BHTN 18,8 tỷ đồng. Theo nhận định của KTNN, để xảy ra những sai sót trên, trách nhiệm thuộc về các Trung tâm Giới thiệu việc làm trong việc tiếp nhận, kiểm tra, rà soát, giải quyết hồ sơ hưởng chế độ BHTN; công tác phối hợp giữa Trung tâm Giới thiệu việc làm và BHXH tỉnh, thành phố còn chưa chặt chẽ.
Cũng cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên KTNN chỉ ra những bất cập về BHTN. Trước đó, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2011 của BHXH Việt Nam, KTNN đã phát hiện nhiều “chiêu trò” lạm dụng Quỹ BHTN, trong đó đáng chú ý là tình trạng NLĐ thỏa thuận với người sử dụng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động, hưởng trợ cấp thất nghiệp, không đúng bản chất thất nghiệp. Đặc biệt, nhiều DN đã lợi dụng quy định đóng BHTN một năm sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp nên chỉ ký hợp đồng lao động một năm, sau khi hết hạn hợp đồng cho nghỉ một tháng để hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đó lại tiếp tục ký hợp đồng lao động. Thậm chí, một số DN cuối năm còn cho lao động nghỉ việc hàng loạt và xem như khoản trợ cấp thất nghiệp là phần thu nhập tăng thêm cho NLĐ!…
Kiến nghị lấp “lỗ hổng”chính sách
Cùng với việc phát hiện những sai phạm trong triển khai thực hiện, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong cơ chế chính sách quản lý và thực hiện chế độ BHTN. Theo đó, việc giải quyết cho hưởng trợ cấp BHTN một lần theo quy định hiện hành là chưa hợp lý vì trong nhiều trường hợp, NLĐ đã có việc làm mới nhưng vẫn được tiếp tục hưởng BHTN những tháng còn lại. Đối với trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, việc quy định NLĐ đã tham gia đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến 36 tháng đều được hưởng cùng một mức 3 tháng trợ cấp BHTN là chưa công bằng, dễ làm cho NLĐ lợi dụng chính sách. Trong khi đó, chế tài xử phạt các hành vi kê khai gian lận, giả mạo giấy tờ của NLĐ để lạm dụng Quỹ BHTN còn thấp, chưa có quy định chặt chẽ và cụ thể để loại trừ quyền được hưởng BHTN khi NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc bị sa thải…
Bên cạnh đó, một bất cập khác được coi là “lỗi hệ thống” trong cơ chế quản lý thực hiện chính sách BHTN là: theo quy định hiện hành, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra và tính toán số tiền được thanh toán BHTN; cơ quan BHXH chỉ thanh toán cho đối tượng theo quyết định của Sở LĐ-TB&XH, không thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với chi Quỹ BHTN. KTNN cho rằng, việc giao cho hai cơ quan giải quyết chế độ BHTN còn chưa hợp lý do cơ quan LĐ-TB&XH chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu về đối tượng tham gia, chưa có phần mềm quản lý đối tượng hưởng BHTN giữa hai ngành nên khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra cũng như trong thực hiện giải quyết hưởng, chi trả và quản lý đối tượng hưởng…
Từ thực tế trên, KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho ngành BHXH thực hiện toàn bộ việc giải quyết chế độ BHTN; giao cho ngành LĐ-TB&XH thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người hưởng BNTN. Theo phân tích của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, giao cho cơ quan BHXH thực hiện giải quyết chế độ BHTN sẽ có đầy đủ thông tin hơn về NLĐ, về tình hình đóng các chế độ bảo hiểm, tình trạng việc làm… Do đó, việc xem xét sẽ chính xác hơn, hạn chế tối đa trường hợp giải quyết không đúng chế độ xảy ra tại các địa phương trong thời gian qua. Mặt khác, ngành BHXH cũng đã có sẵn các điều kiện vật chất, cơ sở dữ liệu, thông tin về NLĐ và có đủ biên chế để thực hiện, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như: đảm bảo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng BHTN không phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục giữa hai cơ quan, tiết kiệm được chi phí, hạn chế sai sót trong giải quyết chế độ BHTN; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc thực hiện chế độ BHTN cho NLĐ.
Từ những phát hiện và kiến nghị của KTNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị KTNN lựa chọn một số đơn vị xảy ra nhiều vi phạm về BHTN để đề xuất việc tiến hành giám sát nhằm xem xét, đánh giá mức độ sai phạm cũng như tình hình khắc phục các kiến nghị của KTNN.
NGUYỄN HỒNG