Đẩy mạnh mua bán, sáp nhập ngân hàng: Yêu cầu tất yếu

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 07:05, 02/04/2015

(BKTO) - Trong quý I/2015, thực hiện chỉđạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lựctriển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD)giai đoạn 2011-2015. Một trong những giải pháp được đẩy mạnh với kỳ vọng góp phần nâng cao sứcchất lượng, sức mạnh của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hộinhập khu vực và quốc tếlà hoạtđộng mua bán, sáp nhập(M&A).



NHTMCP Phát triển Mê Kông sáp nhập vào NHTMCP Hàng Hải sẽ ra đời ngân hàng mới có vốn điều lệ thuộc top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc top 3 trong khối NHTMCP Ảnh: T.K

Sẽ có nhiều trường hợp M&A trong năm 2015

Ngay từ đầu năm, quyết tâm “cán đích” chặng đường tái cơ cấu các TCTD theo đúng lộ trình của ngành Ngân hàng đã được thể hiện rõ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ có nhiều trường hợp M&A trong năm nay. Các ngân hàng đang “khỏe mạnh” cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn.

Nếu như năm 2014 chưa có thương vụ M&A nào trong lĩnh vực ngân hàng thành công thì đến năm 2015, hoạt động này đã có những tín hiệu tốt. Điển hình là mới đây, NHNN đã có Công văn số 1607/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) theo Đề án sáp nhập đã được 2 ngân hàng trình. Theo đó, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng, tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng. Với quy mô này, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ thuộc top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc top 3 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).

Theo hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, MDB sáp nhập vào MSB là thương vụ M&A đầu tiên kể từ khi lãnh đạo NHNN công bố trong năm nay. Việc tăng cường sáp nhập các TCTD tại Việt Nam nhằm loại bỏ một số ngân hàng yếu kém, giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý trong việc thực hiện các quy định về giám sát đối với hệ thống ngân hàng.

Sau trường hợp của MDB và MSB, một số thương vụ khác có thể sẽ được thông qua tại Đại hội cổ đông của các ngân hàng tới đây. Dự kiến, NHTMCP Sài Gòn (SaiGonBank) sẽ sáp nhập vào NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ “về một nhà” với NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Theo kế hoạch, trong tháng 4/2015, nhiều ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội cổ đông. TS. Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTMCP Đông Á (ĐongA Bank), nhận định: M&A sẽ là một trong những vấn đề “nóng” tại Đại hội cổ đông năm nay của các ngân hàng. Ngân hàng yếu, sức cạnh tranh không cao, chưa đáp ứng được những điều kiện mà NHNN đặt ra thì tất yếu phải tính đến phương án sáp nhập. Ông Kiêm cho biết, hiện ĐongA Bank và NHTMCP An Bình (ABBank) đang tìm hiểu nhau để có thể tiến tới sáp nhập.

Cơ sở để đẩy mạnh M&A

Khẳng định tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng tại Việt Nam đang từng bước đạt được tiến bộ thông qua việc khuyến khích M&A, ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho rằng trong ngắn hạn, Chính phủ phải tiếp tục ưu tiên cải cách hệ thống ngân hàng. Để có được những ngân hàng mạnh, việc củng cố, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn là điều cần thiết.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thị trường M&A trong lĩnh vực ngân hàng năm 2015 sẽ sôi động hơn bởi đây là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Đề án này là phấn đấu giảm xuống còn khoảng 20 ngân hàng có quy mô trung bình và lớn so với khu vực. Mặt khác, Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2015 quy định: mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của 2 TCTD khác với tỷ lệ nắm giữ tối đa phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Điều này đỏi hỏi những ngân hàng có cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu theo quy định trên phải đẩy mạnh kế hoạch thoái vốn hoặc tính đến phương án sáp nhập.

Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh hoạt động M&A không chỉ để “xóa sổ” những TCTD yếu kém, giảm nguy cơ rủi ro của hệ thống ngân hàng mà còn xuất phát từ yêu cầu tất yếu của hội nhập khu vực và quốc tế. TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời cuối năm 2015, việc ngân hàng các nước “ùa vào” Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với khối ngân hàng trong nước, nhất là các NHTMCP yếu kém. Khi chúng ta chưa “mở cửa” để hội nhập khu vực và quốc tế, với những TCTD cỡ khoảng 150 triệu USD là có thể hoạt động “xông xênh”. Nhưng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đối với những dự án lớn cỡ vài tỷ USD hoặc ít ra cũng khoảng 500 đến 700 triệu USD, một ngân hàng nhỏ không thể nào cho vay được. Do đó, yêu cầu tất yếu đặt ra là phải có sự liên minh hoặc hợp nhất các ngân hàng để trở thành một ngân hàng lớn, đủ tiềm lực đứng ra bảo lãnh những hợp đồng thương mại lớn và “dư sức” hội nhập với khu vực và quốc tế.

MAI NGỌC