Tạo động lực để kích cầu tín dụng

Đối nội - Ngày đăng : 15:05, 14/09/2020

(BKTO) - Tính đến ngày 26/8, tín dụng mới tăng 4,23%. Như vậy, ngành ngân hàng chỉ còn khoảng hơn một quý nữa để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 9 - 10%. Do đó, việc triển khai hiệu quả những giải pháp kích cầu tín dụng tiếp tục là vấn đề cấp thiết được các ngân hàng cũng như nhiều chuyên gia quan tâm.



Cần đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý. Ảnh tư liệu

Giảm lãi suất, nới roomtín dụng và thúc đẩy cho vaytiêu dùng

Dịch Covid-19 đã khiến người dân, DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cầu tín dụng bị sụt giảm rõ rệt. Để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch, qua đó góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm mọi chi phí để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn.

Cùng với đó, ngay từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã quyết định nới room tín dụng đối với những ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện cần thiết. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam mới đây cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã được nâng lên so với hạn mức ban đầu như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong là 11,5%; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) là 12,5%, Ngân hàng TMCP Quân đội là 20%; TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là 19 - 23%.

Đáng lưu ý, trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng.

Các chuyên gia nhận định, chỉ đạo trên của NHNN là hoàn toàn đúng hướng, kịp thời bởi trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, việc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không chỉ có vậy, tín dụng tiêu dùng còn là kênh quan trọng giúp các ngân hàng duy trì lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hơn nữa, thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang khai thác hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn tại VIB, 85% dư nợ cho vay cá nhân mua nhà, ô tô đã giúp thu nhập từ hoạt động tín dụng của Ngân hàng này tăng trưởng 24% trong quý II/2020. Trong thời gian tới, VIB sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay mua nhà, ô tô và tập trung vào phân khúc khách hàng có tài sản bảo đảm tốt và có tiềm năng sử dụng nhiều sản phẩm của Ngân hàng. Hay tại Techcombank, Ngân hàng này sẽ tiếp tục tập trung cho vay phân khúc khách hàng người mua nhà ở; trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ.

Cải thiện tăng trưởng tín dụng - cần thêm nhiều động lực

Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19 hiện nay, việc thực hiện các giải pháp nêu trên để kích cầu tín dụng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, giới chuyên gia và đại diện các ngân hàng cho rằng, với biện pháp giảm lãi suất cho vay, dư địa để thực hiện không còn nhiều, tối đa chỉ khoảng 0,5 - 1%.

Còn với giải pháp nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, việc phát huy hiệu quả trong thời gian tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Giới phân tích tài chính nhận định, để có thể sử dụng hết phần room được NHNN nới thêm, các TCTD phải đảm bảo hiệu quả trong cho vay. Muốn cho vay hiệu quả, thu hồi được vốn, ngân hàng phải tìm được các dự án để giải ngân. Do đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, yếu tố quan trọng để gỡ nút thắt tín dụng chính là việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ phía các Bộ, ngành, địa phương. Việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và tạo hiệu ứng lan tỏa sang nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao khi hoạt động kinh tế khởi sắc.

Tương tự, giải pháp cho vay tiêu dùng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhiều chính sách khác để mang lại hiệu quả. TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng: Kích thích vay tiêu dùng phải gắn liền với đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời phải đưa ra các gói vay mua nhà ở xã hội, đẩy nhanh thực hiện các gói an sinh xã hội… Các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải hiểu và đánh giá được thói quen vay tiêu dùng của người dân hiện nay là sự thay đổi trong ngắn hạn hay dài hạn.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - khuyến nghị: Tín dụng tiêu dùng chỉ có thể tăng nhanh nếu Chính phủ có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính cũng cần nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện nay, tập trung vào những hàng hóa thiết yếu, đồng thời đẩy mạnh các kênh số hóa để bán hàng tốt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đặc biệt lưu ý, dù tăng cường cho vay tiêu dùng là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng nhưng không vì thế mà việc đẩy vốn ra thị trường lại được thực hiện bằng mọi giá. Nếu cho vay dưới chuẩn và không kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu.

Một yếu tố khác được giới chuyên gia đánh giá sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt tín dụng nằm chính ở nội tại của DN. Theo đó, muốn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, bản thân các DN cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, phải trách nhiệm hơn trong việc đưa ra phương án kinh doanh, minh bạch hơn trong báo cáo tài chính và gấp rút giải quyết được thị trường đầu ra.

THÀNH ĐỨC